Như vậy, khối phi nhân thọ lại có thêm một công ty bảo hiểm nỗ lực hoàn thành yêu cầu phải có chuyên gia định phí đúng tiêu chuẩn đã được các cơ quan chức năng quy định.
Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chưa đáp ứng được yêu cầu này chắc chắc cũng sẽ phải nỗ lực để hoàn thành kế hoạch tuyển dụng chuyên gia định phí trong năm 2017, bởi ngoài việc phải đáp ứng quy định của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn mới của chuyên gia định phí, thì các công ty bảo hiểm phi nhân thọ muốn mở rộng các đơn vị thành viên phải có chuyên gia định phí theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP về thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chưa có chuyên gia định phí bảo hiểm theo đúng tiêu chuẩn quy định sẽ gặp khó khăn trong việc thành lập thêm các chi nhánh mới.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, ngoài một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có chuyên gia định phí tài chính như Liberty, AIG… các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác như Bảo Minh trong quý III/2016 đã tuyển được chuyên gia định phí theo đúng quy định. PVI cũng đã có chuyên gia định phí theo quy định. Ngoài ra, AAA hay VASS đã tuyển dụng chuyên gia tài chính theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Tài chính.
Thực tế, quy định các công ty bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm sức khỏe hay chi nhánh nước ngoài phải có chuyên gia định phí tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế là câu chuyện đã được bàn luận nhiều trong suốt thời gian qua.
Theo quy định tại Nghị định 73/2016 về thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải là thành viên (associate) của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế; hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và có bằng chứng chứng minh đã thi đạt tối thiểu 2 môn thi của một trong các Hội sau: Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Úc, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Canada; hoặc các bằng chứng chứng minh đã thi đạt các môn thi theo khóa học, chương trình đào tạo chuyên ngành tính toán được các Hội trên công nhận tương đương với 2 môn thi của Hội; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm…
Những quy định trên dù khắt khe, nhưng theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, các quy định này là cần thiết, bởi việc tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh, nhưng chưa thông báo là khá phức tạp. Nếu không tính toán chính xác có thể gây ảnh hưởng cho sự an toàn tài chính của công ty đó.
Thực tế, trong số các chuyên gia định phí tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam hiện nay, có rất ít người đạt yêu cầu trên. Chính vì thế, việc thực hiện quy định này ban đầu cũng gây không ít khó khăn cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, các doanh nghiệp trong khối này cũng đang tìm mọi phương án, chẳng hạn như thuê chuyên gia định phí nước ngoài (với những doanh nghiệp đủ khả năng); tự đào tạo, cử cán bộ đi học rồi thi các chứng chỉ (phương án này tính khả thi cũng không cao, bởi thi actuary rất khó khăn); hoặc tuyển chuyên gia định phí từ thị trường.
Thực thế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều chọn phương án tuyển chuyên gia định phí từ thị trường, song song với việc tiếp tục đào tạo và cử cán bộ đi học để tạo nguồn nhân lực định phí mới, bởi phương án này có tính khả thi cao, chi phí thực hiện lại không quá lớn.