Bảo hiểm phi nhân thọ nhìn từ quý I

(ĐTCK-online) Các DN bảo hiểm phi nhân thọ đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I/2011. Mặc dù đạt kết quả khả quan, nhưng trước triển vọng vĩ mô còn nhiều khó khăn, việc hoàn thành kế hoạch năm 2011 đang là thách thức không nhỏ.
Quý I, các DN bảo hiểm nhân thọ đạt lợi nhuận từ kênh bảo hiểm còn khiêm tốn

Quý I tăng trưởng tốt

Theo số liệu đã được kiểm toán của Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), tổng doanh thu quý I/2011 đạt 1.465 tỷ đồng, tăng 30,5%; lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 111 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2010. PVI đã tăng trưởng ở mọi chỉ tiêu, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm tăng lần lượt 35,6% và 31,4%.

Theo số liệu của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), trong quý I, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn là 3.354 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng doanh thu ngành kinh doanh bảo hiểm nòng cốt của BVH đạt 2.181 tỷ đồng, tăng 13%. Mức tăng trưởng này có được là nhờ doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 18%, cũng như kết quả tích cực của hoạt động bảo hiểm nhân thọ với mức tăng trưởng doanh thu khai thác mới 20%. Ngành kinh doanh bảo hiểm đóng góp 69% vào tổng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2011 của BVH.

Một DN bảo hiểm chuẩn bị lên sàn là Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC). Quý I/2011, tổng doanh thu của BIC đạt 255,505 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 154,634 tỷ đồng, tăng 64%; doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính là 74,634 tỷ đồng, tăng 210%. Lợi nhuận trước thuế trong quý I/2011 của BIC đạt 26,235 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 26% kế hoạch năm 2011. Trong đó, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm đạt 2,331 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính đạt 23,963 tỷ đồng.

Tại CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý I/2011 là 173,1 tỷ đồng; doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ khác là 42 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 15,6 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là hơn 89 tỷ đồng).

 

Nhưng chưa phản ánh hết khó khăn

Nhìn vào kết quả kinh doanh quý I của các DN bảo hiểm có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của các DN bảo hiểm nhân thọ được duy trì ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kênh bảo hiểm vẫn còn khiêm tốn. Có DN chi phí lớn khiến lợi nhuận đạt mức thấp. Chẳng hạn như PTI có lợi nhuận gộp 72,8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15,6 tỷ đồng (sau khi trừ chi phía bán hàng và quản lý DN), có DN lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính (BIC đạt 26,235 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính chiếm 23,963 tỷ đồng).

Bước vào năm 2011, việc cạnh tranh tăng doanh thu bằng hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm đã hạ nhiệt trước thực trạng có tới 50% DN bảo hiểm phi nhân thọ và 80% chi nhánh công ty thành viên của DN bảo hiểm bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm. Tăng trưởng doanh thu bảo hiểm đi liền với không lỗ và có lãi về nghiệp vụ bảo hiểm là mục tiêu nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ hướng đến. Tuy nhiên, có thể thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động của DN.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, cũng như nhiều ngành kinh doanh khác, kết quả kinh doanh quý I của các DN bảo hiểm chưa phản ánh hết những khó khăn từ thị trường, do lạm phát bắt đầu phát tác mạnh từ quý II, sau khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Nếu các dự án có nguồn vốn từ ngân sách bị siết giảm thì các DN tư nhân cũng không mở rộng sản xuất - kinh doanh được, do lãi vay ngân hàng quá cao.

Với việc tiếp tục điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường, lạm phát năm 2011 sẽ trở thành sức ép không nhỏ trong điều hành chính sách. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, chủ trương của Chính phủ kiềm chế lạm phát bằng cắt giảm đầu tư công, giảm tăng trưởng tín dụng dưới 20%, chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các DN bảo hiểm phi nhân thọ đang có thế mạnh khai thác các công trình xây dựng lắp đặt, tài sản cho thuê tài chính. Trong nhiều năm qua, mức tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ thường gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Khi tăng trưởng GDP chậm lại, tất yếu tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ cũng chậm theo.

Kết thúc tháng 4, các DN bảo hiểm phi nhân thọ đã tổ chức xong ĐHCĐ và đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2011. Mặc dù kế hoạch đặt ra có tăng trưởng so với năm trước, nhưng nhìn chung khá thận trọng trước những khó khăn từ nền kinh tế. Việc hoàn thành kế hoạch hay không được nhận định là phụ thuộc vào sự điều hành chính sách vĩ mô, nhưng một phần quan trọng nằm tại chính các DN nếu không thực hiện việc quản trị rủi ro, tích cực phát triển các sản phẩm mới và đặc biệt là tiết giảm chi phí trong hoạt động.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục