3 quy định mới tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 124/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 45/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đòi hỏi khối này cần xây dựng cơ sở dữ liệu, nếu không, các DN sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định. Cụ thể, Dự thảo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bắt buộc phải có chuyên gia tính phí bảo hiểm. Với doanh nghiệp lỗ nghiệp vụ liên tục 2 năm phải thực hiện báo cáo và xử lý theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải tách bạch và hạch toán riêng quỹ chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được (quỹ chủ hợp đồng).
Chưa kể, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều kiện cấp phép hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm là phải có cơ sở dữ liệu phù hợp với quản lý điều hành kinh doanh bảo hiểm. Những quy định này buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng được cơ sở dữ liệu bảo hiểm và chia sẻ dữ liệu để tính phí bảo hiểm và có lộ trình triển khai cụ thể.
Được biết, đến nay, Bộ Tài chính đã giao cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và Cục Công nghệ Thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý giám sát bảo hiểm và sẽ triển khai vào năm 2015.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), đầu năm tới sẽ là thời điểm nước rút để các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm về khai thác, quản lý khách hàng, quản lý đối tượng được bảo hiểm, quản lý đại lý môi giới bảo hiểm, giám định bồi thường, kết nối với hệ thống kế toán của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu không hoàn thành, chắc chắn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định liên quan.
“Để có dữ liệu đầu vào cho các chuyên gia tính toán, đòi hỏi từng doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu, bồi thường, dự phòng, chi phí khai thác, chi phí quản lý chi tiết cho từng sản phẩm bảo hiểm”, ông Lộc nói.
Quy định về lỗ nghiệp vụ liên tục 2 năm phải báo cáo và xử lý theo yêu cầu của Bộ Tài chính, theo ông Lộc, cũng đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải nắm bắt và điều chỉnh phí bảo hiểm, chi phí khai thác, chi phí quản lý ngay năm đầu tiên khi phát hiện ra nghiệp vụ bảo hiểm nào thua lỗ, để tránh tình trạng tiếp diễn 2 năm liên tục thua lỗ phải báo cáo Bộ Tài chính. Muốn làm được việc trên, người quản trị điều hành phải được cung cấp các báo cáo quản trị tài chính kế xuất từ hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp bảo hiểm với từng nghiệp vụ hàng tháng, quý, năm, để có những quyết định điều chỉnh kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, quy định tách quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm vừa phải tách quỹ vừa phải tách chi phí cho từng hợp đồng bảo hiểm khai thác được theo từng nghiệp vụ bảo hiểm.
“Để làm được việc này, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có công nghệ thông tin hệ thống cơ sở dữ liệu thích hợp, nhất là các chi phí trả trước, đào tạo cán bộ nhân viên, đại lý bảo hiểm, quảng cáo, tiếp thị, xây dựng cơ sở dữ liệu ….”, đại diện AVI nói.
Theo Dự thảo Thông tư sử đổi Thông tư 124/2012, các DNBH phi nhân thọ cần phải xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu của mình thích ứng với các quy định hiện hành như: -Hệ thống chế độ kế toán bảo hiểm phi nhân thọ ban hành theo Thông tư 232/2012/TT-BTC. -Hệ thống trích lập và sử dụng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm thực hiện theo Thông tư 125 (phần chưa phải sửa đổi, bổ sung). -Hệ thống tính biên khả năng thanh toán hàng tháng trong đó có giá trị tài sản được ghi nhận 1 cách thận trọng để trích biên khả năng thanh toán theo Thông tư 125. -Hệ thống quản trị đầu tư tài chính ghi nhận, tổng hợp các khoản mục đầu tư và danh mục tài sản đầu tư theo quy định của Nghị định 46 và tách quỹ đầu tư cho chủ hợp đồng bảo hiểm. -Hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang vận hành. |