Bảo hiểm phi nhân thọ đón mùa đại hội “nóng bỏng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài việc chất vấn ban lãnh đạo các công ty bảo hiểm về mục tiêu kinh doanh, chi trả cổ tức, thì trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, cạnh tranh ngày càng gay gắt, mùa đại hội cổ đông năm 2023 dần sôi động hơn bởi những thông tin chuyển sàn, chuyển nhượng cổ phần…
Năm 2022, tỷ lệ bồi thường gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là hơn 34%, chưa bao gồm khoản dự phòng bồi thường. Năm 2022, tỷ lệ bồi thường gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là hơn 34%, chưa bao gồm khoản dự phòng bồi thường.

Cổ đông lớn của PTI muốn thâu tóm VNI

Tuần qua, đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã chứng khoán AIC) đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu AIC (tương đương 75% vốn điều lệ) cho Công ty Bảo hiểm DB của Hàn Quốc. Đây là số cổ phần thuộc sở hữu của 19 cổ đông cá nhân và Công ty cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật Tài chính Việt Nam.

Theo DB, VNI sẽ là sự bổ sung có giá trị cho danh mục đầu tư, đặc biệt khi doanh nghiệp này có mạng lưới bán hàng và thị phần đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm ô tô.

DB hiện là cổ đông lớn nhất tại PTI, sở hữu khoảng 37% cổ phần. Việc mua cổ phần chi phối tại VNI đặt ra câu hỏi, liệu DB có thoái vốn khỏi PTI? Việc thoái vốn (nếu có) sẽ ảnh hưởng ra sao đến doanh nghiệp? Kế hoạch kinh doanh năm 2023 và cổ tức như thế nào cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm; bởi trong năm qua, PTI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất trên thị trường báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, đại hội cổ đông năm 2021 của PTI đã thông qua chủ trương không chia cổ tức giai đoạn 2021 - 2022, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

PVI chuẩn bị chuyển sàn

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PVI, ông Jens Holger Wohlthat cho biết, Công ty chuẩn bị chuyển niêm yết cổ phiếu PVI từ sàn HNX sang HOSE.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, PVI đạt tổng doanh thu 14.000 tỷ đồng, tăng 30% và lợi nhuận hơn 1.100 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021, nối dài chuỗi 5 năm tăng trưởng liên tiếp. Mảng đóng góp nhiều nhất là kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, với doanh thu phí bảo hiểm gốc vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tăng 21% (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2017 - 2022 đạt 8,4%) và đóng góp 70% vào tổng doanh thu. Lĩnh vực này chiếm 14,8% thị phần trong nước. Hoạt động tái bảo hiểm đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 50% (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2017 - 2022 đạt 14%) và đóng góp 17% vào tổng tổng doanh thu. Công ty con là PVI Re lần đầu tiên dẫn đầu thị trường tái bảo hiểm trong nước.

Nhận định về thị trường bảo hiểm năm 2023 trong bối cảnh có nhiều dự báo kém khả quan, lãnh đạo PVI chia sẻ, tình hình thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam còn rất thấp nên thị trường vẫn còn dư địa để phát triển. PVI - nhà bảo hiểm đang đứng đầu thị trường, sẽ cố gắng tạo ra sự dẫn dắt phát triển chung cho cả thị trường. Cụ thể, Công ty sẽ tăng cường chuyển đổi số để khai thác mảng bán lẻ trên nền tảng bán lẻ, đồng thời các nghiệp vụ không tạo ra lợi nhuận sẽ có chiến lược phát triển mới.

PVI đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc tế A.M Best nâng hạng tín nhiệm từ B++ lên A-. Đây là mức xếp hạng cao nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Với xếp hạng tín nhiệm A-, PVI có thêm một yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để PVI đạt được mục tiêu phát triển lớn mạnh ra các thị trường khác ngoài Việt Nam. Trong tương lai không xa, các bạn sẽ thấy sự tăng trưởng của PVI tại các thị trường bên ngoài. Sự tăng trưởng này cũng là chiến lược tăng trưởng bền vững như PVI đã áp dụng với thị trường nội địa”, ông Jens Holger Wohlthat nói.

Lo ngại cạnh tranh phi kỹ thuật

Theo các dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2023 (2,9%) trước khi tăng trở lại vào năm 2024 (3,1%). Đối với ngành bảo hiểm, ngoài những khó khăn chung của kinh tế thế giới, thì thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan dự kiến sẽ khiến tỷ lệ bồi thường gia tăng.

Báo cáo rủi ro toàn cầu của của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố mới đây nhận định, thiên tai cực đoan sẽ tạo ra đáng kể thiệt hại kinh tế cũng như tổn thất được bảo hiểm trên toàn thế giới.

Không ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh theo cách phi kỹ thuật, bao gồm cả việc giảm phí bảo hiểm.

Tại Việt Nam, số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, kết thúc năm 2022, tỷ lệ bồi thường gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là hơn 34%, chưa bao gồm khoản dự phòng bồi thường. Với doanh thu năm 2022 tăng mạnh so với năm 2021, thì về lý thuyết, dự phòng bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ gia tăng. Thực tế, điều này có thể đang được thể hiện ở việc lợi nhuận trong năm qua của một số doanh nghiệp ghi nhận sự suy giảm.

Trong báo cáo thị trường mới nhất của SSI Research, tăng trưởng phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2022 (khoảng 10 - 12%), trong khi tỷ lệ chi phí hoạt động dự kiến gia tăng, chủ yếu vì tỷ lệ tổn thất tăng cao do áp lực lạm phát đối với giá hàng hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trong bối cảnh trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm e ngại, động thái cạnh tranh phi kỹ thuật sẽ xuất hiện nhiều hơn.

“Tiềm năng thị trường lớn, nhưng tăng trưởng chậm lại đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là ở các phân khúc bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm xe hay bảo hiểm sức khỏe. Hiện nay, có 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm ở Việt Nam, không ít doanh nghiệp chọn cạnh tranh theo cách phi kỹ thuật, bao gồm cả việc giảm phí bảo hiểm”, đại diện một công ty bảo hiểm nói.

Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh chưa thực sự sáng, doanh nghiệp bảo hiểm hy vọng, Luật mới về kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho thị trường phát triển bền vững bằng cách cho phép các công ty bảo hiểm tự do hơn trong việc phát triển và thực hiện sản phẩm, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, áp dụng hệ số an toàn vốn dựa trên rủi ro quản lý…

Ngoài ra, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 15% (tỷ lệ xâm nhập thị trường khoảng 3 - 3,3% đến năm 2025) và tăng 10% trong giai đoạn 2026 - 2030 (tỷ lệ xâm nhập thị trường mục tiêu là 3,5% vào năm 2030).

Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 10/2022, A.M.Best - công ty đánh giá tín nhiệm duy trì mức đánh giá “tăng trưởng ổn định” cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang mong chờ Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ sớm được ban hành.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục