Có truyền thống lên kế hoạch thận trọng
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của PVI diễn ra sáng 19/4 đã thông qua nâng cổ tức lên 28% thay vì 12% như kế hoạch ban đầu.
Phát biểu tại Đại hội, ông Ulrich Heinz Wollschlager, đại diện HDI Global SE (cổ đông lớn nhất đang sở hữu 36,5% vốn của PVI) nói lời cảm ơn Ban lãnh đạo Công ty, cán bộ nhân viên đã đưa Công ty phát triển như hiện tại.
“Nhớ lại thời gian đầu quyết định mua 25% vốn PVI, lúc đó Chính phủ có cơ chế cho nhà đầu tư ngoại và chúng tôi đã mua thành công 25% vốn. Hồi đó, có nhà báo hỏi vì sao HDI chấp nhận trả giá cao hơn giá thị trường, tôi đã trả lời rằng, HDI tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam cũng như của PVI. Hôm nay, chúng tôi xin xác nhận lại rằng, HDI đã không sai lầm và đang chứng kiến sự phát triển tốt đẹp của PVI như ngày hôm nay”, ông Ulrich bộc bạch.
Mặc dù vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2018 lại gây băn khoăn cho cổ đông khi chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả hợp nhất và riêng công ty mẹ PVI lần lượt là 587 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, giảm 14% và 31,5% so với kết quả năm trước; cổ tức 12%.
Giải thích với cổ đông về kế hoạch sụt giảm trên, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cho biết, lâu nay, PVI vẫn đặt kế hoạch theo quan điểm thận trọng, nhưng thường sau đó lại vượt kế hoạch.
Kế hoạch 2018 cũng được hoạch định theo chiến lược được đặt ra từ trước cho giai đoạn 2015-2020 và sau đó cũng vượt. Chẳng hạn như năm 2017, sau khi kết thúc năm tài chính 2017 khả quan, HĐQT đã quyết định chia cổ tức 28% năm 2017 bằng tiền mặt, vượt xa kế hoạch đã cam kết với cổ đông lúc đâu như đã nói ở trên.
Cũng theo lãnh đạo PVI, bên cạnh thuận lới, năm 2018 cũng có nhiều thách thức, đặc biệt khi tình hình Tập đoàn Dầu khí (PVN) còn nhiều khó khăn và cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ còn gay gắt.
Năm 2018, nhiệm vụ đặt ra là tái cơ cấu công ty con (đưa PVI Re đại chúng hóa và niêm yết); đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế gồm tư vấn thu xếp vốn, đầu tư vào hạ tầng công nghiệp ngành dầu khí, chế biến dầu khí, lọc hóa dầu, điện...; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ fintech và insuetech.
Cổ đông thắc mắc, kế hoạch thận trọng trên có phải chủ yếu do chưa hạch toán khoản bán biệt thự siêu sang của dự án Tây Hồ Tây hay không?
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Thuận cho hay, theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu sau khi bàn giao, hiện dự án này đã bán hết và có dòng tiền về, nhưng chưa bàn giao (dự kiến quý IV này sẽ bàn giao).
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Đầu tư chứng khoán bên lề đại hội, ông Thuận hé lộ, dù chưa được ghi nhận doanh thu, nhưng dòng tiền chảy về từ dự án trên vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Năm 2017, tổng doanh thu hợp nhất của PVI đạt 9.029 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Trong đó, hoạt động bảo hiểm thu về 8.171 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch; hoạt động tài chính, cho thuê văn phòng& khác đạt 858 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế vượt 18%, đạt 683 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 540 tỷ đồng, hoàn thành 119% kế hoạch.
Riêng công ty mẹ PVI, lợi nhuận sau thuế đạt 475 tỷ đồng, gấp rưỡi so với kế hoạch đề ra.
Sẽ hoàn tất kế hoạch thoái vốn của PVN trong năm 2018
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) và thương vụ chuyển nhượng tòa nhà PVI Tower, ông Thuận cho biết, việc thoái vốn của PVN có liên quan trực tiếp đến việc bán tòa nhà PVI. Do đó, hiện tại PVI sẽ tập trung cho việc thoái vốn. Theo kế hoạch, PVN sẽ hoàn tất thoái vốn ngay trong năm 2018 này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI cho biết thêm, bán tòa nhà và thoái vốn đều là 2 việc lớn của PVI, nên để "xuôi chèo mát mái", Công ty sẽ làm tuần tự, thoái vốn xong sẽ chuyển nhượng tòa nhà PVI
Tại đại hội, Đoàn chủ tịch cũng đã bổ sung nội dung liên quan đến miễn nhiệm và thay thế thành viên HĐQT theo yêu cầu của cổ đông lớn Funderburk Lighthouse Litmited (sở hữu 11% vốn).