Theo con số thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, riêng tổn thất bảo hiểm xe cơ giới sau 3 ngày bão tan đã lên tới hàng chục tỷ đồng, số thiệt hại về xe cơ giới vẫn đang được các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục cập nhật và khả năng tổn thất còn tăng lên. Đó là chưa kể những tổn thất của bảo hiểm rủi ro cho tài sản.
“Những tổn thất về tài sản thường được cập nhật chậm hơn bảo hiểm xe cơ giới”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Ngay đêm đầu tiên ảnh hưởng của cơn bão, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tiếp nhận gần 100 cuộc gọi thông báo của khách hàng có xe bị ngập trong khu vực TP.HCM, tính trung bình, mỗi giám định viên phải hỗ trợ từ 3 - 5 khách hàng. PTI đã phải huy động toàn bộ giám định viên trong khu vực TP.HCM để kịp thời hỗ trợ khách hàng.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, tổn thất của cơn bão số 9 đối với thị trường bảo hiểm là không nhỏ. Thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng thiệt hại của xe cơ giới đã lên đến hàng chục tỷ đồng; riêng tại Bảo hiểm PTI, ước đến thời điểm hiện tại, thiệt hại xe cơ giới vào khoảng 7 tỷ đồng.
Đại diện PTI cho hay, bên cạnh thiệt hại về xe cơ giới, thiệt hại về tài sản cũng xảy ra khá nhiều, mặc dù số vụ không cao nhưng thiệt hại có thể lớn hơn đối với xe cơ giới. Những tổn thất với tài sản kỹ thuật chủ yếu là nhà xưởng, một số ít là nhà chung cư, nhà dân do bị nước tràn vào. Hiện PTI đã tiếp nhận 16 vụ tổn thất về tài sản, trong đó, vụ tổn thất lớn nhất khoảng 10 tỷ đồng.
Bảo hiểm BIDV (BIC) đã tiếp nhận và đang xử lý thông tin một số vụ tổn thất về bảo hiểm rủi ro tài sản từ khách hàng.
Bảo hiểm PVI thì có con số tạm ước ngay sau ảnh hưởng của cơn bão là gần 90 xe ô tô và ước giá trị bồi thường 4 tỷ đồng. Hãng bảo hiểm này vẫn đang tiếp nhận thông tin cập nhật thêm những thiệt hại về bảo hiểm xe cơ giới cũng như bảo hiểm tài sản của các khách hàng.
Bảo hiểm Liberty đã nhận gần 1.000 cuộc gọi của khách hàng yêu cầu hỗ trợ và ghi nhận 116 trường hợp liên quan tới ngập nước. Số thiệt hại ghi nhận đến thời điểm hiện tại khoảng 3 tỷ đồng, tính riêng bảo hiểm AutoCare; về tỷ lệ tổn thất của bảo hiểm thủy kích, hiện Liberty vẫn đang giám định và thống kê.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về khả năng kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm trong quý cuối năm bị ảnh hưởng, đại diện một công ty bảo hiểm nhận định, tỷ lệ bồi thường của nhiều công ty chắc chắn sẽ tăng. Nhưng thiệt hại của cơn bão không ảnh hưởng quá nặng nề đến hoạt động kinh doanh, do số tiền bồi thường không lớn so với doanh thu chung của một doanh nghiệp bảo hiểm.
“Dù con số tổn thất vẫn đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cập nhật, nhưng thiệt hại sẽ không tăng đột biến bởi những thiệt hại nghiêm trọng đã được cập nhật ngay”, vị đại diện doanh nghiệp trên nói.
Tuy vậy, có những ý kiến lo ngại, sau cơn bão, không chỉ có tổn thất của bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm rủi ro tài sản, mà tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm sức khỏe cũng có thể thay đổi vì sau ngập lụt là nguy cơ dịch bệnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của khối bảo hiểm phi nhân thọ đạt 33.407,7 tỷ đồng, tăng 10,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ bồi thường gốc toàn thị trường tính đến hết tháng 9/2018 là 42%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 36,26%.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, tỷ lệ bồi thường của khối phi nhân thọ tăng do tỷ lệ bồi thường của các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng, lần lượt là 15% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hai nghiệp vụ có tỷ lệ đóng góp doanh thu cao cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ so với các nghiệp vụ bảo hiểm khác.