Bảo hiểm phi nhân thọ tự tin về đích kế hoạch năm

(ĐTCK) Sau 3 quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ công bố gần cán đích chỉ tiêu kinh doanh cả năm. Chặng đường phải hoàn thành trong quý còn lại không quá vất vả và các doanh nghiệp đang tự tin lên kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính mới. 
Bảo hiểm phi nhân thọ tự tin về đích kế hoạch năm

Thông tin từ Tập đoàn Bảo Việt cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, Bảo Việt tiếp tục dẫn đầu thị phần doanh thu phí trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Bảo hiểm Bảo Việt ước đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc 7.276 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017.

Cùng với đà tăng trưởng chung, các nghiệp vụ chính như bảo hiểm trách nhiệm chung, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm y tế ước đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận, lần lượt là 35,9%, 33,4% và 29,7%.

Các nghiệp vụ khác như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tàu thủy vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, góp phần giữ vững vị trí số 1 của Bảo hiểm Bảo Việt trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và tỷ lệ tăng trưởng cao gần gấp đôi so với thị trường.

Tại Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2018 và triển khai kế hoạch kinh doanh 3 tháng cuối năm 2018 của hãng bảo hiểm PVI, các số liệu kinh doanh 9 tháng được báo cáo rất tích cực. Cụ thể, PVI đạt tổng doanh thu 6.480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 300 tỷ đồng, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu 9 tháng.

Bảo hiểm PVI tiếp tục duy trì vị thế nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam với doanh thu từ khối bảo hiểm công nghiệp đạt gần 2.500 tỷ đồng, hoàn thành 115,3% kế hoạch 9 tháng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ 2017.

Doanh thu từ khối bán lẻ cũng đạt kết quả khả quan với việc tăng trưởng đều cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam, với tổng doanh thu phí đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, trong 9 tháng, PTI đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch kinh doanh của năm 2018, tăng trưởng bình quân khoảng 25% so với cùng kỳ. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người vẫn là hai nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu doanh thu của PTI.

Đặc biệt, nghiệp vụ bảo hiểm con người có sự tăng trưởng đột phá, chính thức cán mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Dự kiến, đến hết năm 2018, doanh thu của PTI đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được nhìn nhận sẽ tiếp tục cạnh tranh hơn trong bối cảnh cuộc đua ứng dụng công nghệ từ khâu bán hàng đến dịch vụ bắt đầu tăng tốc.

Được biết, cùng với việc không ngừng nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm tối ưu quyền lợi; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm đa dạng kênh phân phối…, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ đưa ra thị trường phần mềm bán hàng và bồi thường trực tuyến.

Trong khi đó, với sản phẩm Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và Bảo hiểm bệnh ung thư đang được bán qua đại lý trực tiếp, tư vấn qua hotline hoặc các kênh trực tuyến sớm được triển khai trong thời gian tới, PVI đã phối hợp bán chéo sản phẩm bảo hiểm Ngũ Phúc Ưu Việt với Asahi và sản phẩm Bảo hiểm tai nạn cá nhân, hỗ trợ nằm viện với Smart Buddy.

Cùng nhiều sản phẩm khác đang được bán trực tuyến, với hai sản phẩm này, Bảo hiểm PVI thực hiện cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho khách hàng. Đây là tiền đề lớn để Bảo hiểm PVI đẩy mạnh bán hàng qua các kênh điện tử…

Trong cuộc đua bảo hiểm trực tuyến, ứng dụng bảo hiểm tự động đầu tiên của Việt Nam với tên gọi là Lian đã chính thức xuất hiện. Người sáng lập ứng dụng Lian vừa mới ra mắt trên thị trường, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết, ứng dụng này hướng đến mục tiêu mọi gia đình Việt Nam đều được bảo hiểm để phòng tránh rủi ro.

Trên nền tảng E-Learning hoàn toàn miễn phí, Lian sẽ hỗ trợ đại lý, người bán bảo hiểm thuận lợi trong việc học tập và đào tạo ở bất cứ nơi đâu.

Người dùng chọn gói phù hợp và đăng ký mua trực tiếp trên điện thoại. Ứng dụng hiện cung cấp các sản phẩm về cháy nổ nhà ở, tai nạn, du lịch và các gói dành cho gia đình, nghệ sĩ của Hãng bảo hiểm Viễn Đông (VASS).

"Mục đích chính của ứng dụng vẫn là bán bảo hiểm. Những dịch vụ khác chỉ là giá trị gia tăng”, bà Liên cho biết.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục