Bảo hiểm phi nhân thọ, cổ đông “chê” hiệu quả kinh doanh

(ĐTCK) Ghi nhận chung về mùa đại hội đồng cổ đông năm nay của khối công ty bảo hiểm, vẫn có nhiều cổ đông chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về tính hiệu quả của hoạt động đầu tư. 
 
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm về mức thấp đã kéo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đi xuống Mặt bằng lãi suất tiết kiệm về mức thấp đã kéo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đi xuống

Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP PVI hôm 27/4 đã chốt tỷ lệ cổ tức 2016 bằng tiền mặt ở mức 20% (cao gấp 1,7 lần kế hoạch được thông qua hồi đầu năm ngoái là 12%), nhưng vẫn có cổ đông than thở: “Hoạt động đầu tư của PVI vài năm gần đây không hiệu quả”.

Trước đó, cổ đông nhỏ của Bảo hiểm PTI cũng than kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2017 còn thận trọng, tỷ lệ sinh lời không cao. Ngay cả cổ đông lớn của PTI là ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng cho rằng, kênh đầu tư của PTI cần có thêm những giải pháp mới để góp phần cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận.

Tình hình cũng tương tự tại Đại hội đồng cổ đông của Bảo hiểm Bảo Long, khi cổ đông nhỏ đề nghị Hội đồng quản trị, Ban điều hành nâng cao hiệu quả đầu tư cho cổ đông.

Tại đại hội đồng cổ đông của một số doanh nghiệp bảo hiểm khác, vẫn có những ý kiến chất vấn từ cổ đông nhỏ về hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Bởi đầu tư chính là hoạt động mang lại lợi nhuận chủ yếu cho doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay.

Trước những chất vấn của cổ đông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI đặt câu hỏi: “Hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận chính cho PVI trong năm qua. Khoản đầu tư 51% vào PVI Sun Life thu về khoản lãi khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm qua, đó không phải là đầu tư hiệu quả thì là gì”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng tự tin như PVI. Lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Long thừa nhận, năm 2016, Công ty lựa chọn chiến lược nhanh, bền vững, quản lý tốt rủi ro, do đó tỷ suất lợi nhuận chưa đáp ứng được yêu cầu của cổ đông do ảnh hưởng từ việc trích lập dự phòng.

Trong khi đó, lãnh đạo PTI cho biết, mục tiêu lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và hoạt động khác của PTI năm 2017 là 131 tỷ đồng. Việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp từ hoạt động đầu tư xuất phát từ việc trong năm nay, Tổng công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư chưa thực sự hiệu quả tồn đọng từ những trước đây.

Chưa kể, do đặc thù của doanh nghiệp bảo hiểm là hoạt động kinh doanh rủi ro nên PTI luôn phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để phục vụ cho việc chi trả bồi thường, nên chỉ tập trung đầu tư vào những khoản đầu tư ít rủi ro, nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ...

Dẫu không bị cổ đông nhỏ “chê”, nhưng lãnh đạo Vinare tự thừa nhận hoạt động đầu tư của Tổng công ty chưa đạt kỳ vọng của Ban lãnh đạo. Doanh thu từ hoạt động đầu tư của Vinare năm qua chỉ đạt 239 tỷ đồng.

Câu chuyện giảm sút hiệu quả đầu tư không chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp đơn lẻ, mà đang là câu chuyện chung của toàn thị trường bảo hiểm. Năm 2016, lãi từ hoạt động đầu tư tài chính của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giảm 8,8%, đạt 1.353 tỷ đồng, kéo theo lãi trước thuế toàn khối giảm 1%, đạt 1.405 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trong khối này giảm từ mức 6,5% trong năm 2015 về 6% trong năm qua.

Với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, tính thận trọng, an toàn trong hoạt động đầu tư luôn được được đặt lên hàng đầu. Do vậy, các khoản đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chủ yếu nằm ở kênh tiết kiệm ngân hàng (thường duy trì ở mức trên 70% tổng giá trị đầu tư).

Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp bảo hiểm có công ty mẹ có tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, đứng đằng sau hỗ trợ nên hoạt động đầu tư cũng có phần linh hoạt hơn. Vài năm trở lại đây, mặt bằng lãi suất tiết kiệm được đưa về mức thấp nên khoản thu nhập từ gửi tiết kiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng giảm sút mạnh.

Trước kết quả đầu tư chưa theo kỳ vọng cùng với  nhận định năm 2017 mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục ổn định, dao động trong khoảng 6,5 - 7%/năm với kỳ hạn 12 tháng, một số doanh nghiệp bảo hiểm như Vinare, PJICO đang lên kế hoạch chuyển hướng chiến lược đầu tư theo hướng đầu tư an toàn, nhưng cho hiệu quả sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi…

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục