Bảo hiểm phi nhân thọ cân bằng thách thức và tham vọng

(ĐTCK)  Tại mùa ĐHCĐ năm nay, các doanh nghiệp phi nhân thọ đã chủ động điều chỉnh mục tiêu kinh doanh phù hợp với bối cảnh thị trường bảo hiểm ngày càng cạnh tranh khốc liệt và hành lang pháp lý có nhiều thay đổi hiện nay.
Các doanh nghiệp phi nhân thọ tiếp tục tập trung số hóa trong năm nay

Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 diễn ra mới đây, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện - PTI (mã chứng khoán PTI) cho biết, PTI sẽ dành một khoản ngân sách lớn trong năm nay để đầu tư cho chuyển đổi số. Mục tiêu của PTI là xây dựng nền tảng số vững mạnh, tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài chính ngày càng gia tăng của các gia đình Việt Nam.

“Sau 3 năm tái cấu trúc, năm 2025, chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư vào con người và chuyển đổi số”, bà Hương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội phát triển dài hạn, PTI đang đối diện với không ít thách thức. Lợi thế từ mặt bằng lãi suất cao trong năm 2024 đã giúp PTI đạt kết quả tích cực từ hoạt động đầu tư tài chính, nhưng bước sang năm 2025, khi lãi suất giảm mạnh, hoạt động này được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, tạo áp lực lên hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Ngoài ra, nâng cao năng lực tài chính cũng đang là vấn đề lớn với PTI. Bà Hương cho biết, việc tham gia các dự án bảo hiểm tài sản, đặc biệt là các công trình đầu tư công, thường yêu cầu nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, PTI đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do chưa đạt được sự đồng thuận từ cổ đông nước ngoài.

Trước tình hình đó, PTI xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 theo hướng tập trung vào hoạt động bảo hiểm cốt lõi, chấp nhận sự sụt giảm ở mảng đầu tư tài chính và lợi nhuận tổng thể. Cụ thể, PTI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, giảm 20,54% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 256 tỷ đồng. Doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng tăng trưởng 13%, đạt 4.550 tỷ đồng, nhưng doanh thu tài chính dự kiến là 287,9 tỷ đồng, giảm 14,5%.

Dù các chỉ số tài chính chưa phản ánh toàn diện tiềm năng tăng trưởng, song PTI đang hướng đến một chiến lược dài hạn, với tham vọng trở thành định chế tài chính quy mô lớn trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Theo đó, PTI đặt mục tiêu phục vụ 10 triệu khách hàng - gấp 5 lần con số hiện tại - bằng cách mở rộng sản phẩm, tối ưu phí bảo hiểm và nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng.

“Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng chúng tôi tin rằng khả năng tiếp cận khách hàng, mức phí hợp lý và sự đa dạng trong sản phẩm là 3 yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này”, bà Hương nói.

Tập trung số hóa, nâng cao năng lực tài chính

Thách thức phía trước còn nhiều, nhưng đây cũng là cơ hội để ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, nâng tầm trong giai đoạn tới.

Với hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, việc tăng vốn là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh và đảm bảo tuân thủ các chỉ số như biên khả năng thanh toán - một tiêu chí quan trọng trong đấu thầu các dự án lớn. Vốn điều lệ lớn cũng là yếu tố giúp các công ty bảo hiểm cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, từ đó tăng khả năng tiếp cận các dự án trọng điểm và khách hàng lớn, cũng như có thêm nguồn lực để đầu tư cho số hóa.

“Đẩy mạnh kinh doanh số, nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải tiến chất lượng dịch vụ và tăng cường quản trị nhằm giữ vững vị trí Top 4 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ” là mục tiêu kinh năm 2025 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán MIG), bên cạnh tiếp tục thực hiện tái cấu trúc toàn diện, tinh gọn bộ máy công ty thành viên, tăng cường khả năng điều hành, quản lý, giám sát và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Liên quan tới hoạt động số hóa, đại diện MIC cho biết, trong thời gian tới, MIC sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình bằng công nghệ Robotics, tích hợp dữ liệu toàn Tập đoàn, phát triển bán chéo sản phẩm dựa trên nền tảng dữ liệu tập trung. MIC cũng số hóa toàn bộ kênh bán hàng, triển khai các mô hình kinh doanh và hệ sinh thái số mới, đồng thời tinh chỉnh cơ chế lương thưởng để gia tăng quyền lợi và động lực cho người lao động trong Công ty.

Về kế hoạch kinh doanh, ĐHCĐ thường niên năm 2025 của MIC đã thông qua mục tiêu tăng trưởng doanh thu bảo hiểm tối thiểu 25% và lợi nhuận tăng khoảng 75% trong năm nay.

Trong tài liệu trình ĐHCĐ thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 5 này, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Bảo hiểm BIDV, BIC (mã chứng khoán BIC) đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.020 tỷ đồng trong năm 2025 từ các nguồn như thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Giai đoạn 2026-2030, BIC sẽ tiếp tục tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu mở rộng tệp khách hàng, song song với đó là đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và hạ tầng số để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng lực vận hành…

ĐHCĐ thường niên năm 2025 của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Bảo Minh sẽ tăng từ 1.326 tỷ đồng lên khoảng 1.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến diễn ra trong quý III-IV/2025.

Là doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần doanh thu đứng thứ 3 trên thị trường bảo hiểm, Bảo Minh cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo MIC tại ĐHCĐ vừa qua, cơ chế quản lý chặt chẽ đối với các đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng đang ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực khai thác khách hàng của các kênh hợp tác này. Ngoài ra, quy định mới về trần chi phí - lợi nhuận của từng sản phẩm bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) tạo thêm áp lực cạnh tranh, đặc biệt trong mảng bancassurance…

Trước những thách thức đó, Bảo Minh chủ trương xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025 theo hướng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí và giảm thiểu rủi ro. Bảo Minh đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 7.340 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước, trong đó doanh thu từ bảo hiểm gốc đạt 6.316 tỷ đồng, doanh thu tái bảo hiểm đạt 702 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính và bất động sản đầu tư đạt 322 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 300 tỷ đồng, tăng trưởng 10%, với chỉ số ROE dự kiến ở mức 10%, chia cổ tức dự kiến là 10%.

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm đang bước vào giai đoạn tái định hình với những thay đổi mạnh mẽ từ cả nội tại doanh nghiệp lẫn khung pháp lý, các công ty bảo hiểm đang cho thấy quyết tâm thích nghi, đổi mới và tăng cường năng lực cạnh tranh. Thách thức phía trước còn nhiều, song đây cũng là cơ hội để ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng nâng tầm trong giai đoạn tới.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục