Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: Kẻ đến, người đi

(ĐTCK) Dù đã bước qua thời kỳ tăng trưởng vàng với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 15%/năm, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến nhiều hứa hẹn cho các tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới. Tất nhiên, nhiều kẻ đến và cũng không thiếu người đi...
Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: Kẻ đến, người đi

Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: Kẻ đến, người đi ảnh 1Sumitomo vừa thay thế HSBC trở thành nhà đầu tư ngoại lớn nhất của Bảo Việt

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam gần 10 năm trước đã từng chứng kiến sự ra đi của Tập đoàn Bảo hiểm New York Life (Mỹ) chỉ sau một thời gian ngắn có được giấy phép hoạt động. Lý do được đưa ra là Tập đoàn thay đổi chiến lược, tập trung nguồn lực vào các thị trường khác đang làm ăn tốt. Không lâu sau đó, Tập đoàn Bảo hiểm Allianz của Pháp cũng tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam . Sự ra đi của Allianz cũng là do chiến lược thay đổi. Tập đoàn sẽ chỉ tập trung vào những thị trường đã xác định là ưu tiên phát triển tại châu Á… Đến Việt Nam trong dịp công bố đổi tên Chartis thành AIG,  ông Leslie J. Mouat, Chủ tịch AIG Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) nói rằng, AIG đầu tư rất lớn vào mảng bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Trung Quốc, nhưng chưa có kế hoạch trở lại thị trường Việt Nam với mảng bảo hiểm nhân thọ mà chỉ giữ lại một phần nhỏ đầu tư vào mảng này (AIG nắm hơn 10% cổ phần của AIA).

“Chúng tôi chưa thể nói gì về việc có trở lại thị trường Việt Nam với mảng bảo hiểm nhân thọ hay không, nên tôi cũng không hy vọng đọc được bài báo có tít: ‘AIG trở lại thị trưởng bảo hiểm nhân thọ Việt Nam’”, ông Leslie J. Mouat hóm hỉnh trả lời  ĐTCK.

Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn AIG đã thông báo bán toàn bộ cổ phần tại AIA. Ngược dòng thời gian một chút để nhìn lại mối “lương duyên” của hai định chế này. AIG từng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam từ những năm 2000 (thương hiệu AIA) và bảo hiểm phi nhân thọ năm 2005. Năm 2008 - 2009, khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra, AIA vẫn đang “chung thuyền” với Tập đoàn Tài chính AIG và cùng chao đảo trong khủng hoảng. Để hỗ trợ, Chính phủ Mỹ khi đó đã phải đầu tư cho Tập đoàn trên 150 tỷ USD. Sau đó, Prudential đặt vấn đề mua lại AIA châu Á, song không thành công. Tháng 10/2010, Chính phủ Mỹ chấp thuận cho AIA phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường Hồng Kông - AIA trở thành một công ty độc lập. Dù AIA từng được ví von là viên ngọc đính trên vương miện của AIG, nhưng cuối cùng AIG cũng phải “đứt ruột” bán nốt cổ phần tại AIA để tập trung vào mảng bảo hiểm nhân thọ tại Mỹ và bảo hiểm tài sản - tai nạn, sau khi bán hàng loạt mảng kinh doanh khác để hoàn trả khoản cứu trợ cho Chính phủ. Quyết định bán hết vốn tại AIA của Tập đoàn AIG cũng đồng nghĩa với việc AIG sẽ không còn liên quan gì đến thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam .

Cũng trong kế hoạch thoái vốn khỏi bảo hiểm để tập trung tái cơ cấu cho lĩnh vực cốt lõi, mới đây HSBC đã thoái vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt. Đại diện HSBC cho biết, đây chỉ là 1 trong 14 cuộc thoái vốn của HSBC tại nhiều thị trường trên thế giới. Thị trường nào cũng có kẻ đi, lại có người đến và “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Khoảng 3 năm trước đây, thị trường cũng có nhiều thông tin râm ran rằng, Hãng bảo hiểm New York Life quay trở lại Việt Nam , nhưng đến nay vẫn chỉ là những lời đồn thổi.

Trở lại câu chuyện của HSBC, Hãng Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo của Nhật Bản đã thế chân tập đoàn này để sở hữu 18% cổ phần của Bảo Việt. Sumitomo Life đã từng được đồn đoán là có kế hoạch hợp tác với một số đối tác là ngân hàng thương mại của Việt Nam để thành lập một liên doanh bảo hiểm nhân thọ mới, nhưng “duyên” chưa đến. Bình luận về mối “lương duyên” giữa Sumitomo và Bảo Việt, một chuyên gia trong ngành cho rằng, các công ty bảo hiểm Nhật bản đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Vì thế, có thể đối với họ, đây là một thương vụ tốt.

Thực tế, với các nhà đầu tư bảo hiểm Nhật Bản, thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung vẫn luôn là điểm đến “thèm muốn” bởi xu hướng dân số đang già hóa ở các quốc gia châu Á phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, khiến nhu cầu bảo hiểm dần bão hòa. Không chỉ có các nhà bảo hiểm của Nhật bị cuốn hút trước tiềm năng tăng trưởng của thị trường Đông Nam Á, các nhà đầu tư châu Âu cũng vậy. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam bây giờ cũng không phải quá dễ khai thác, bởi đã có trăm kẻ bán nhưng chưa đến mức vạn người mua. Chính vì thế, đã có người phải ra đi vì không đạt được kỳ vọng. Nhưng dù sao, đối với những người đã và sẽ đến, đầu tư vào bảo hiểm luôn là kế hoạch dài hạn, nhất là với một thị trường mới nổi như Việt Nam thì còn phải kiên nhẫn hơn.          

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục