Với hơn 79.000 ca nhiễm Covid-19 toàn cầu (số liệu thống kê lũy kế ngày 24-2 của Bộ y tế), các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo rằng tình trạng lây lan mầm bệnh có thể sẽ sớm đạt đỉnh điểm trong thời gian tới và những gì đang xảy ra ở Italy, Hàn Quốc và Iran có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới.
Cũng như các doanh nghiệp kinh doanh nói chung đang phải oằn mình chịu tác động tiêu cực do Covid-19 đem lại, các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng không chỉ tìm phương án kinh doanh duy trì tăng trưởng phí bảo hiểm mới, mà còn âm thầm chuẩn bị những bước dự phòng xa hơn.
Trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán về những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, đại diện một số công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, cùng với việc hạn chế, tạm dừng các sự kiện kinh doanh có đông người tham dự, hệ thống kinh doanh được khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động tư vấn cá nhân, gặp gỡ 1-1 với khách hàng, bán qua kênh trực tuyến, bancassurance… các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng đang rục rịch khởi động Business Continuety Plan (BCP) - kế hoạch duy trì hoạt động trong tình huống khẩn cấp khi có thảm họa xảy ra.
Đây là các kế hoạch dự phòng và thiết yếu để duy trì hoạt động.
Theo đó, mỗi phòng ban đều có kế hoạch thực tế để làm việc khi có thảm họa xảy ra. Công ty cũng có kế hoạch làm việc ở văn phòng khác hoặc từ xa dự trù trường hợp tòa nhà trụ sở chính được thông báo có người nhiễm Covid 19. Đồng thời các kế hoạch về lưu trữ dữ liệu vận hành nghiệp vụ cũng bắt đầu được tái khởi động…
BCP có vẻ còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung nhưng đó là kế hoạch dự phòng kinh doanh không xa lạ gì đối với các Tập đoàn tài chính kinh tế lớn trên thế giới. Họ luôn chủ động xây dựng các kế hoạch kinh doanh trong tình huống khẩn cấp….
Theo đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ, BCP được xây dựng từ khá lâu chứ không phải đến khi có Covid 19. Hệ thống này đảm bảo cho công ty vẫn hoạt động khi có thảm họa bất khả kháng xảy ra từ thảm họa thiên nhiên lẫn con người…
Hầu hết các Tập đoàn đều cho nhân viên luyện tập thực hành các kế hoạch kinh doanh này hàng năm.
Cụ thể trong tình huống khẩn cấp nhờ có BCP luôn sẵn sàng nên các kế hoạch duy trì hoạt động như huấn luyện đại lý, các công tác liên quan đến duy trì quyền lợi khách hàng, công tác thẩm định hồ sơ… vẫn tiếp tục được diễn ra.
Các thông tin dữ liệu đã được lưu trữ ở nhiều nơi, các văn phòng dã chiến cũng đã được chuẩn bị, mỗi một phòng ban phải có kế hoạch riêng cho việc đảm bảo hoạt động. Chẳng hạn không thẩm định được trong công ty thì phải có nơi thẩm định khác, hệ thống máy tính phải đảm bảo cho nhân viên làm việc từ xa… cài đặt các phần mềm cần có để có thể kết nối với hoạt động của công ty
“BCP chỉ thực sự được kích hoạt khi dịch bệnh xảy ra ở cấp thảm họa. Ví dụ như nhà nước phong tỏa tòa nhà trụ sở chính hoặc cấm mọi người ra khỏi nhà. Còn hiện tại vẫn đang là kế hoạch dự phòng”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nhấn mạnh.
10 bước lập kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng
Bước 1: Xác định mục đích, phạm vi của BCP và nhóm thực hiện
Bước 2: Xác định các hoạt động ưu tiên và mục tiêu thời gian phục hồi
Bước 3: Bạn cần những gì để phục hồi các hoạt động then chốt?
Bước 4: Đánh giá rủi ro – Nắm bắt chuỗi những hiện tượng thảm họa thiên tai
Bước 5: Xin đừng quên việc bảo vệ và hạn chế thiệt hại trước thảm họa
Bước 6: Ứng phó khẩn cấp với thảm họa thiên tai
Bước 7: Các chiến lược duy trì hoạt động kinh doanh (BC) nhằm sớm hồi phục hoạt
động
Bước 8: Chuẩn bị về tài chính
Bước 9: Diễn tập để đảm bảo đúng kế hoạch thực hiện
Bước 10: Đánh giá kết quả và cải tiến
(Nguồn: “Cẩm nang hướng dẫn lập kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh cho Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) )