Bảo hiểm nhân thọ kỳ vọng sớm tăng trưởng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mua đúng sản phẩm bảo hiểm, sản phẩm dễ hiểu, thủ tục giải quyết bồi thường nhanh chóng… là những vấn đề được quan tâm nhất khi tham gia bảo hiểm nhân thọ và chỉ khi sớm được xử lý thì ngành này mới có thể sớm tăng trưởng trở lại.
Bảo hiểm nhân thọ kỳ vọng sớm tăng trưởng trở lại

Tiếp tục mong muốn bảo hiểm đơn giản hơn

Trong các chủ đề thảo luận về ngành bảo hiểm được thực hiện bởi Reputa (hệ thống giám sát danh tiếng được xây dựng bởi Viettel), trải nghiệm các dịch vụ bảo hiểm là vấn đề được người dùng quan tâm thảo luận trên mạng xã hội. Trong đó, về quy trình thủ tục, trên 50% người tham gia khảo sát quan tâm giải quyết vấn đề này nhanh hơn; trên 48% mong muốn thủ tục đơn giản hơn. Về gói bảo hiểm, hơn 37% ý kiến thảo luận về việc lựa chọn đúng, sản phẩm tốt; 34% ý kiến quan tâm đến những sản phẩm nhiều quyền lợi bồi thường cao và trên 28% quan tâm đến phí rẻ…

Một khảo sát trước đó của Statista (công ty chuyên nghiên cứu thị trường của Đức) về những băn khoăn của người Việt Nam khi tham gia bảo hiểm cũng cho thấy, khoảng 80% người được hỏi mong muốn hợp đồng bảo hiểm cần có trang thông tin tóm tắt ngắn gọn, giải đáp được những thông tin quan trọng và những thắc mắc của khách hàng; 60% cho rằng sử dụng những từ ngữ đơn giản sẽ giúp họ tiếp cận với bảo hiểm một cách dễ dàng hơn…

Thực tế, một năm qua, trong khi cùng lúc hứng chịu suy thoái kinh tế và khủng hoảng niềm tin, các doanh nghiệp nhân thọ đã nỗ lực rất nhiều để chính sửa và thay đổi quy trình hoạt động cũng như sản phẩm, dịch vụ theo hướng phục vụ tốt và tốt hơn nữa cho các khách hàng, cho dù biết đây không phải là công việc có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều”.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, kể từ tháng 8/2023, Dai-ichi Life Việt Nam triển khai ghi âm/ghi hình trực tuyến quá trình tư vấn bảo hiểm cho cả 2 kênh đại lý truyền thống và kênh phân phối mở rộng. Không chỉ Dai-ichi Life Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đều áp dụng các quy trình mới này.

Trong khi đó, Chubb Life Việt Nam áp dụng hiệu quả tính năng thẩm định tự động 24/7 (STP - Straight Through Processing) cho các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm chuẩn, chỉ mất 5 phút để kiểm tra thông tin và chuyển hồ sơ chuẩn sang trạng thái “chờ phát hành”. Tính năng này góp phần hoàn thiện hệ sinh thái số, tiết kiệm thời gian cho cả khách hàng và đội ngũ kinh doanh của Công ty.

Tương tự, bắt đầu từ tháng 1/2024, Manulife Việt Nam chính thức áp dụng quy trình xác thực và giám sát để đảm bảo 100% khách hàng đều được tư vấn đầy đủ, rõ ràng trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm.

Theo quy trình mới, sau khi khách hàng được đại lý tư vấn, nộp đơn yêu cầu bảo hiểm và trải qua quá trình thẩm định, hợp đồng bảo hiểm chưa được phát hành ngay mà khách hàng cần thực hiện thêm bước xác thực thông tin để giúp Manulife Việt Nam giám sát chất lượng tư vấn, cũng như chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Khách hàng được yêu cầu truy cập vào ứng dụng M-Pro của Manulife Việt Nam để thực hiện định danh điện tử và kiểm tra các thông tin cá nhân đã cung cấp. Đồng thời, các thông tin quan trọng về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm quyền lợi sản phẩm, những lưu ý về rủi ro đầu tư, trách nhiệm đóng phí và các điều khoản khác được trình bày đầy đủ, rõ ràng và súc tích để khách hàng có thể hiểu rõ và xác nhận trước khi phát hành hợp đồng. Khách hàng cũng sẽ tự xác nhận tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu bảo hiểm của mình. Nếu khách hàng không hoàn tất các quy trình này thì hợp đồng bảo hiểm sẽ không được cấp.

“Quy trình mới không chỉ nhằm đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả, nâng cao chất lượng tư vấn của đại lý, mà còn giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và vai trò chủ động của khách hàng trong quá trình tìm hiểu và tham gia bảo hiểm nhân thọ”, đại diện Manulife Việt Nam nhấn mạnh.

Kỳ vọng sớm tăng trưởng trở lại

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã trải qua một năm “khó quên” đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm khi đối mặt với “khó khăn kép”, mà nguyên nhân xuất phát từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Theo thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2024, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu tổng tài sản ước đạt 1.004.421 tỷ đồng, tăng 9,97% so với năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 243.472 tỷ đồng, tăng 7,19% so với năm 2023, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%). Các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 110.043 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm trước, trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 25.584 tỷ đồng và khối nhân thọ ước đạt 84.459 tỷ đồng.

Trong các mục tiêu trên, việc đưa ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng dương trở lại trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là một thách thức lớn. Theo Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, áp lực và thách thức là rất lớn, nhưng với các chủ trương, chính sách kịp thời, đúng đắn của Chính phủ trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế; sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính cùng sự phối hợp hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan; sự quyết tâm, nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm và đặc biệt là sự cảm thông, chia sẻ của khách hàng, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, lĩnh vực nhân thọ nói riêng đang từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Số liệu thống kê của Cục quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 190.201 tỷ đồng, tăng 7,09% so với năm 2022. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường ước đạt 227.134 tỷ đồng, giảm 8,02%; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.149 tỷ đồng (tăng 2,87%) và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 155.985 tỷ đồng (giảm 12,5%). Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng âm.

Theo chia sẻ của lãnh đạo cơ quan này, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã trải qua một năm “khó quên” đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm khi đối mặt với “khó khăn kép”, mà nguyên nhân xuất phát từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

“Bước sang năm 2024, kỳ vọng các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý thấy rõ những vấn đề nội tại để có giải pháp xử lý phù hợp, ngành bảo hiểm sẽ phải thay đổi mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng hơn, hướng tới khách hàng nhiều hơn…, có như vậy mới lấy lại được niềm tin của khách hàng, từ đó giúp thị trường sớm tăng trưởng trở lại”, vị này nói.

Gần 1.000 thông tin phản ánh, kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính trong 10 tháng

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về lĩnh vực bảo hiểm đã hoạt động từ ngày 22/2/2023 và tính đến hết tháng 11/2023, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nhận được 387 thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng điện thoại (trong đó, có 269 thông tin phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, còn lại là các cuộc gọi hỏi về chính sách hoặc tình hình giải quyết đơn thư, khiếu nại); 609 thông tin phản ánh, kiến nghị qua hộp thư điện tử…

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục