Bảo hiểm phi nhân thọ chờ “sóng” nổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảng xếp hạng thị phần Top 10 của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ dù được cho là khó có sự thay đổi lớn trong năm 2023, nhưng cuộc đua tranh dự báo sẽ quyết liệt hơn trong thời gian tới.
9 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm PVI giữ vững ngôi vị số 1 thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc 9 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm PVI giữ vững ngôi vị số 1 thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc

Doanh thu chưa như kỳ vọng nhưng lợi nhuận đều tăng

Suy thoái kinh tế khiến doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 của khối bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 52.200 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ tính đến 30/9/2023, Bảo hiểm PVI ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc 8.397 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Hãng bảo hiểm này dự kiến, trong năm 2023, doanh thu bảo hiểm gốc sẽ vượt mốc 10.000 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của Bảo hiểm Bảo Việt ghi nhận 7.460 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong 9 tháng đầu năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng thời gian, báo cáo tài chính riêng của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 3.918 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; Bảo Minh ghi nhận 4.060 tỷ đồng, tăng 2,5% so cùng kỳ; Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận 3.404 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ; PJICO ghi nhận hơn 2.882 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Bảo hiểm BIC là trường hợp hiếm hoi trong ngành ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc 9 tháng năm 2023 tăng trưởng hai con số, với 3.327 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. BIC cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất thị trường trong 9 tháng, với 329 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước (theo báo cáo tài chính hợp nhất).

Không riêng BIC, hầu hết các công ty bảo hiểm trong khối phi nhân thọ đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn đà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Hai hoạt động đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính. Một số công ty cũng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản và các hoạt động khác, nhưng thường không đáng kể. Hoạt động tài chính có lãi lớn trong 3 quý đầu năm 2023 đã hỗ trợ cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Theo công bố của PVI, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 của Công ty đạt 536,5 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Bảo hiểm Bảo Việt công bố lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Sau năm 2022 lỗ nặng do gói bảo hiểm “Vững tâm an”, PTI đã có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 tích cực hơn, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 124,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 348 tỷ đồng. Bảo Minh có mức lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 hơn 254 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Tương tự, Bảo hiểm MIC đạt lợi nhuận sau thuế hơn 170 tỷ đồng, tăng khoảng 25%; lợi nhuận sau thuế của PJICO đạt hơn 192 tỷ đồng, tăng 18%.

Xét về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, Bảo hiểm PVI vẫn chắc chắn ở ngôi vị số 1, Bảo hiểm Bảo Việt ở vị trí thứ 2 và Bảo Minh tạm thời vươn lên vị trí thứ 3 với doanh thu phí bảo hiểm gốc nhỉnh hơn PTI. Thời gian qua, PTI thực hiện chiến lược tái cơ cấu nên doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm và tạm lùi về vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Bảo hiểm MIC vẫn ở vị trí thứ 5.

Xét về tăng trưởng doanh thu trong nhóm doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu thị trường, chỉ có PVI có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm hai con số. Riêng PTI có doanh thu tăng trưởng âm 17%. Tuy nhiên, hãng bảo hiểm này đã có lợi nhuận trở lại sau một năm thua lỗ. Các doanh nghiệp còn lại trong nhóm này đều có lợi nhuận tăng tốt so với cùng kỳ.

Cạnh trạnh Top 10 vẫn sôi động

Năm 2023, dự kiến danh sách các công ty trong Top 5 thị phần doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ có biến động, nhưng Top 10 ổn định so với năm 2022 (gồm Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, PTI, Bảo Minh, MIC, PJICO, BIC, VBI, BSH và VNI). Tuy nhiên, sự thay đổi về thị phần doanh thu nhiều khả năng sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Cùng với sự vươn lên của BIC, thị trường đang chờ đón những chuyển biến mới với kỳ vọng Bảo hiểm DB sẽ xây dựng VNI và BSH tăng trưởng mạnh mẽ như đã thành công với PTI. Hiện cả PTI, BSH và VNI đều có phần vốn của Bảo hiểm DB (Hàn Quốc). DB đang nắm 75% vốn điều lệ tại VNI, BSH và 37% vốn điều lệ PTI.

Dù vẫn nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu bảo hiểm gốc lớn nhất thị trường, nhưng sự phát triển của PTI trong giai đoạn tới vẫn là một ẩn số. Sau khi tái cơ cấu về nhân sự (dàn lãnh đạo cũ của PTI đã nghỉ gần hết), hãng bảo hiểm này tiếp tục quá trình tái cấu trúc.

Theo chia sẻ của Chủ tịch PTI Phạm Minh Hương, mục tiêu trong năm 2023, Hội đồng quản trị Công ty tiếp tục kiện toàn điều kiện về quản trị, con người, giữ vững nền tảng kinh doanh mà PTI đã xây dựng trong nhiều năm qua, với những hành lang về chuẩn mực, quản trị rủi ro. PTI không thể đặt bài toán tăng trưởng về doanh số trong điều kiện hiện nay của thị trường, mà phải đặt bài toán làm thế nào để kiến tạo được một nền tảng kinh doanh bền vững, có điều kiện cạnh tranh trong tương lai.

Tính theo doanh thu 9 tháng đầu năm 2023, khoảng cách doanh thu của PTI đã rút ngắn so với Bảo Minh. Sự thay đổi trong định hướng kinh doanh của PTI là không đẩy mạnh doanh thu như giai đoạn trước khiến doanh thu của PTI sụt giảm mạnh và đây là cơ hội để Bảo Minh vươn lên.

Trong khi Bảo Minh vẫn có cơ hội nắm chắc vị trí Top 3 thị phần doanh thu bảo hiểm gốc thì MIC đặt mục tiêu lọt vào Top 4. Quyết tâm trở lại Top 5 của PJICO gặp nhiều khó khăn hơn với sự cạnh tranh của cả MIC và BIC.

Bảng xếp hạng thị phần Top 10 của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ dù được cho là khó có sự thay đổi lớn trong năm 2023, nhưng cuộc đua tranh dự báo sẽ quyết liệt hơn trong thời gian tới, khi có thêm nhân tố mới. Chưa kể đến biến động thị phần của nhóm 3 doanh nghiệp đều đang có chung một cổ đông lớn DB là PTI, VNI, BSH thì Bảo hiểm BIC cũng đang kỳ vọng lọt vào Top 5 doanh nghiệp có doanh thu bảo hiểm gốc lớn nhất thị trường phi nhân thọ.

Ngoài ra, trong tháng 9/2023, Bộ Tài chính đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm AAA và hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu lọt vào Top 10 thị phần trong năm 2024.

Có ý kiến cho rằng, đây là mục tiêu khá tham vọng và không dễ đạt được trong thời gian ngắn, bởi doanh thu phí bảo hiểm gốc của AAA vẫn cách khá xa so với vị trí số 10 của VNI.

“Với bộ máy hoạt động đã được kiện toàn, AAA chính thức bước vào đường đua Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có doanh số tốt nhất thị trường trong năm 2024”, ông Trần Doãn Đạt, Tổng giám đốc AAA cho biết.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục