Rất nhiều quy định mới nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động nhưng cũng kiểm soát chặt hơn các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm đã được nêu ra trong Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng 2025 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Theo Đề án, các cơ quan chức năng sẽ phải nghiên cứu hoàn thiện và trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào năm 2020, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý rủi ro, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm…
Với mục tiêu đến năm 2020 có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, năm 2025 là 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm bình quân trên GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%, các bộ, ban, ngành chức năng liên quan sẽ nghiên cứu mô hình thành lập Viện phát triển bảo hiểm.
Việc nghiên cứu mô hình thành lập Viện phát triển bảo hiểm trên cơ sở xã hội hóa Trung tâm nghiên cứu đào tạo bảo hiểm (không thành lập tổ chức mới) nhằm thực hiện chức năng đề xuất mức phí sàn, phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề, đóng góp xây dựng cơ chế chính sách.
Mô hình quản lý nhà nước của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng sẽ được chuyển đổi sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Ngoài ra, để thị trường phát triển minh bạch và bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai thông tin đầy đủ, toàn diện tương ứng một cách kịp thời, giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức liên quan hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Việc này nhằm đẩy mạnh kỷ luật của thị trường, đồng thời giúp mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ hơn về doanh nghiệp bảo hiểm, về các loại rủi ro tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý rủi ro…
Thực tế, không phải đợi đến khi có sự điều chỉnh của Luật, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã phải tự điều chỉnh mục tiêu chiến lược của mình, vì sự phát triển bền vững và ổn định.
“Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang phát triển như một thanh niên mới lớn, rất phổng phao về lượng, nhưng vẫn thiếu về chất”, lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm ví von.
Theo ông này, để phát triển đồng đều giữa lượng và chất, các doanh nghiệp cần phải loại bỏ những vấn đề cạnh tranh không cần thiết, giảm tỷ lệ bồi thường và chi phí quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chỉ cần làm tốt những việc này thì thị trường bảo hiểm sẽ phát triển vững vàng và ổn định.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ sau giai đoạn hình thành (gần 20 năm) với miếng bánh thị phần đã được chia sẻ thì giờ đây các doanh nghiệp lớn bắt đầu có sự thay đổi trong cách khai thác khách hàng mới.
Một số doanh nghiệp đang xem xét lại việc đẩy mạnh mô hình tổng đại lý.
Họ tập trung vào việc phát triển chất lượng của dịch vụ, đổi mới nhiều nhóm sản phẩm theo hướng nâng cao quyền lợi để đáp ứng vượt trội nhu cầu của chính khách hàng. Việc chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, chạy theo doanh thu khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt giải quyết tình trạng hợp đồng “ảo”, không kiểm soát được chất lượng dịch vụ tư vấn dẫn đến tranh chấp không đáng có với khách hàng và khiến khách hàng quay lưng, mất doanh thu…
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm đang thay đổi rất nhanh với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, chính vì thế, việc phát triển theo lối mòn truyền thống sẽ khó có thể thành công.
Thời đại chạy đua công nghệ, các doanh nghiệp không chỉ nhìn xem mô hình các công ty bạn đang làm gì hay để học hỏi, mà còn phải nghĩ cách làm khác để phù hợp với doanh nghiệp mình. Sẽ có nhiều mô hình bán bảo hiểm mới được mở ra để không những thu hút khách hàng mới mà còn giúp các doanh nghiệp quản lý được rủi ro.
Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, năm vừa qua, công ty chấp nhận tăng trưởng thấp hơn mức bình quân thị trường để thực hiện tái cơ cấu.
Chẳng hạn, việc đẩy mạnh tăng trưởng trước đây bằng cách mở rộng địa bàn, phát triển nhiều văn phòng tổng đại lý (GA), trong đó không ít GA tăng trưởng “bất thường”, buộc doanh nghiệp phải rà soát lại cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng.
“Không thể tiếp tục mở mới GA mãi, trong khi những GA cũ phát triển không tốt và số lượng ngày càng tăng. Chúng tôi đang rà soát lại các chính sách phát triển”, vị tổng giám đốc trên nói.