Bảo hiểm nhân thọ điều chỉnh chiến lược phát triển đại lý

(ĐTCK) Theo các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tại thị trường Việt Nam, tuy đại lý vẫn là mô hình mang lại nguồn doanh thu phí bảo hiểm mới cao trong nhiều năm nữa, nhưng các chính sách phát triển cần phải chỉnh sửa để không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng hợp đồng, mà còn tạo ra sự hiện đại, bền vững hơn.
Vai trò của kênh đại lý truyền thống vẫn rất quan trọng đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Vai trò của kênh đại lý truyền thống vẫn rất quan trọng đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

“Sự tăng trưởng nóng chủ yếu đến từ hệ thống văn phòng tổng đại lý (GA) và điều này là bình thường do chính sách của công ty. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường tại một số GA nên chúng tôi phải thay đổi chính sách cho phù hợp, đồng thời để kiểm soát tốt hơn chất lượng các hợp đồng...”, lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Cũng theo vị lãnh đạo này, khi chỉnh sửa lại chính sách, tỷ lệ GA không trụ lại được có thể sẽ tăng lên và đó là quy luật, vấn đề là công ty phải điều chỉnh kịp thời để các GA có hướng đi mới.

Tại một công ty bảo hiểm nhân thọ khác, để quản lý tốt những hợp đồng từ năm thứ 2 không rơi vào tình trạng hợp đồng “mồ côi”, hãng đã có một số điều chỉnh như giao hẳn việc theo dõi các hợp đồng này cho đội ngũ thu phí và chăm sóc khách hàng, chính sách hoa hồng cho đại lý kể từ những năm sau cũng được cắt một phần cho đội ngũ thu phí chăm sóc khách hàng...

Theo lãnh đạo công ty này, những thay đổi tuy có thể khiến một số đại lý tâm tư, thậm chí rời bỏ hãng, nhưng sẽ giúp việc chăm sóc khách hàng, theo dõi hợp đồng, cũng như tỷ lệ duy trì hợp đồng trở nên ổn định hơn.

Ở một động thái khác, Generali Việt Nam đã ra quân năm 2019 với dự án ROAR, trong đó tập trung xây dựng và phát triển kênh đại lý vững mạnh, xuyên suốt các giai đoạn phát triển nghề nghiệp của tư vấn viên, từ tuyển dụng đến huấn luyện, hoạt động và duy trì. Được biết, đây là dự án mang tính toàn cầu, được hỗ trợ mạnh mẽ từ Tập đoàn mẹ về mô hình triển khai, ứng dụng công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân lực cấp cao.

Tại AIA Việt Nam, AIA Exchange với hệ thống 7 văn phòng đã hoàn thiện tại các thành phố lớn, được kỳ vọng sẽ trở thành kênh hỗ trợ chính tại các thành phố lớn. Với mô hình này, AIA Việt Nam muốn các đại lý bảo hiểm phát triển chuyên nghiệp hơn, toàn thời gian, am hiểu nhiều lĩnh vực như những chuyên viên tài chính và gắn bó phát triển dài lâu với nghề…

Là một trong những nhà bảo hiểm dẫn đầu về số lượng MDRT và chất lượng đội ngũ đại lý, sau giai đoạn thử nghiệm kể từ tháng 1/2019, Manulife chính thức triển khai phần mềm ePOS dành cho các cấp quản lý và MDRT trên toàn quốc nhằm công nghệ hóa 100% việc phân tích nhu cầu tài chính, thiết kế bảng minh họa, nộp hợp đồng trực tuyến, thẩm định tự động...

Khi công nghệ thâm nhập sâu hơn vào thị trường bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của kênh bán bảo hiểm trực tuyến sẽ lấn át, thậm chí thay thế kênh đại lý truyền thống. Tuy nhiên, chia sẻ tại một hội nghị đầu tư được tổ chức mới đây, ông Philippe Donnet - Tổng giám đốc Tập đoàn Generali nhận định: “Kênh phân phối truyền thống vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh trong ngành nhờ được hỗ trợ nhiều hơn bởi các công cụ kỹ thuật số…”.

Trên thực tế, những chuyển đổi trong chiến lược phát triển của các hãng bảo hiểm đã cho thấy vai trò quan trọng của kênh đại lý truyền thống. Theo lãnh đạo một hãng bảo hiểm nhân thọ thuộc nhóm dẫn đầu thị trường, với sự chủ động và linh hoạt, con người luôn đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị gia tăng, cũng như mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho khách hàng, trong khi công nghệ là công cụ hỗ trợ, giúp các hoạt động trở nên hiệu quả hơn.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục