Linh hoạt để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng
Tại hội nghị Actuary Việt Nam 2020 (VAC 2020) tổ chức mới đây, các chuyên gia bảo hiểm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác cơ sở dữ liệu về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng của sản phẩm bảo hiểm trong tương lai để có thể chăm sóc và bảo vệ khách hàng toàn diện hơn.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, ngành bảo hiểm nhân thọ cần có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng linh hoạt nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Theo ông Lương Xuân Trường, chuyên gia tính toán của Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cần tập trung vào các quyền lợi nằm viện, bệnh lý nghiêm trọng hoặc các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh online sẽ giúp cắt giảm đáng kể chi phí quản lý, nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Khách hàng sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp từ các sản phẩm bảo hiểm có mức phí bảo hiểm thấp với số tiền bảo vệ cao.
Năm qua, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế..., các doanh nghiệp nhân thọ cũng đã tập trung đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, chẳng hạn triển khai chương trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (Eclaim), thẻ bảo lãnh viện phí điện tử, tư vấn bảo hiểm trực tuyến thông qua chatbot, ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (IA), ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, tư vấn bán hàng từ xa, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…
Năm 2021, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, cho dù đã có vắc-xin phòng ngừa Covid-19, nhưng thử thách phía trước vẫn rất khó lường nên khó có thể đưa ra dự đoán cụ thể về mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm nói chung và mảng bảo hiểm nhân thọ nói riêng.
Tuy vậy, với những bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó tốt với các đợt bùng phát Covid-19 trong năm qua, những nỗ lực của Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc phòng chống dịch cùng khả năng thích ứng cao, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn bày tỏ sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2021.
Nhìn nhận về thị trường năm qua, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho rằng, nền tảng vững chắc được xây dựng trong nhiều năm qua đã và đang giúp thị trường bảo hiểm duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong năm 2020. Ước tính sơ bộ cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 đạt 184.662 tỷ đồng (tăng 15% so với 2019). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6%).
Tiếp tục đẩy mạnh số hóa, tiến tới mục tiêu “paperless”
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm thế mạnh như bảo hiểm sức khỏe, ngay trong quý I/2021, Công ty sẽ đẩy mạnh các sản phẩm thuộc dòng liên kết đầu tư ra thị trường với quyền lợi, tính năng sản phẩm được nâng cao.
“Về mặt vận hành, chúng tôi tiếp tục cải tiến các quy trình sao cho đơn giản, hiệu quả nhất, đồng thời đẩy mạnh số hóa, tiến tới mục tiêu 100% không giấy (paperless) trong năm nay”, bà Tina Nguyễn nói.
Là tên tuổi gia nhập thị trường Việt Nam muộn nhất (tháng 6/2016), nhưng FWD hiện là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam thành công trong việc phát hành hợp đồng bảo hiểm điện tử tới toàn bộ khách hàng và ngừng phát hành hợp đồng in giấy truyền thống, qua đó hiện thực hóa mục tiêu công ty bảo hiểm “paperless”. Theo đại diện FWD Việt Nam, hợp đồng bảo hiểm điện tử được ký bởi chữ ký điện tử của Công ty có đầy đủ giá trị pháp lý như hợp đồng được in và đóng dấu truyền thống.
Tiến tới mục tiêu 100% không giấy cũng là chiến lược của Manulife, Chubb Life hay Prudential. Đơn cử, cuối tháng 11/2020, Prudential Việt Nam đã trở thành một trong những nhà bảo hiểm nhân thọ đầu tiên chấp nhận thanh toán không tiếp xúc thông qua điện thoại di động kết hợp với giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc của Visa và Sacombank.
Thấu hiểu tầm quan trọng của chuyển đổi số, những năm qua, Prudential Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp số, đặt trải nghiệm khách hàng làm ưu tiên hàng đầu. Một trong những cải tiến mà doanh nghiệp này ứng dụng thành công là tự động hóa quy trình phát hành hợp đồng. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm cũng được số hóa xuyên suốt, không có sự can thiệp của con người.
Hay với Chubb Life Việt Nam, việc đẩy mạnh số hóa với được thực hiện qua 3 giai đoạn: Chuyển hóa, chuyển giao và chuyển tiếp. Ở giai đoạn chuyển hóa, Chubb Life Việt Nam cũng đề ra mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ 100% không giấy. Tại Manulife, lộ trình thực hiện “paperless” cũng sẽ diễn ra trong năm nay.
Cùng với nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng đang tập trung hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí; đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.