Nếu không có Covid-19 thì bảo hiểm học đường đã bắt đầu “vào mùa” từ tháng 5 như thường lệ. Thường bắt đầu vào tháng 5 hàng năm là bởi các công ty bảo hiểm có “thông lệ” kết hợp việc trao tặng học bổng/quà tặng vào lễ tổng kết cuối năm với việc trao đổi về định hướng cũng như tái tục hợp đồng cho năm tiếp theo.
Nếu có trễ hơn thì muộn nhất là cuối tháng 8, khi học sinh - sinh viên chuẩn bị cho năm học mới, bảo hiểm học đường sẽ phải chốt doanh thu cuối vụ.
Mùa bảo hiểm học sinh cũng là thời gian doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng các “mối quan hệ” kết nối với nhà trường, hội phụ huynh để giới thiệu về ưu điểm của sản phẩm mới.
Do sản phẩm bảo hiểm đa phần na ná như nhau nên nhiều phụ huynh không quan tâm đến tên tuổi của doanh nghiệp, mà chủ yếu mua theo đề xuất của nhà trường. Vì thế, việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sẽ cơ bản phụ thuộc vào nhà trường (một số nơi là hội phụ huynh học sinh).
Sau khi các bên thống nhất về quyền lợi chi tiết, nhà bảo hiểm và nhà trường sẽ ký hợp đồng khung, quy định về mức phí, quyền lợi và quy trình bồi thường… Kỳ đóng phí có thể được chia nhỏ, tùy thuộc vào từng đợt thu phí của nhà trường, nhưng sau khai giảng khoảng chừng một tháng thì nhà trường mới có thể thu đủ. Ngoài bán bảo hiểm học sinh, các hãng bảo hiểm được chọn sẽ đương nhiên được bán cả bảo hiểm cho thầy cô giáo các trường đó.
Thông thường, bảo hiểm học sinh chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu bảo hiểm, nhưng vì đây là nhóm khách hàng dễ mở rộng nên doanh nghiệp bảo hiểm rất chú trọng.
Tuy nhiên, năm nay, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp bảo hiểm khó tiếp cận và bán hàng, nhất là bảo hiểm sinh viên, vì nhiều trường đại học vẫn chưa chính thức công bố điểm trúng tuyển cho năm học mới, tức là chưa có ngày tựu trường cụ thể.
“Dịch bệnh khiến thời gian bắt đầu năm học mới muộn hơn so với năm 2019 nên việc tiếp cận với nhà trường, phụ huynh để giới thiệu về sản phẩm bảo hiểm trở nên khó khăn hơn. Dịch bệnh cũng khiến cho thu nhập của nhiều phụ huynh giảm sút, nên việc bỏ tiền mua bảo hiểm tự nguyện sẽ không dễ dàng như những năm trước”, đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nói.
Theo tính toán của các công ty bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm học sinh - sinh viên ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm và “sân chơi” này thuộc về các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, trong đó tập trung tại Top 5 doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO, PTI.
Đơn cử, tại PTI, doanh thu bảo hiểm học sinh (bao gồm cả bảo hiểm sức khỏe) năm 2019 đạt khoảng 200 tỷ đồng và dự kiến tăng khoảng 10% trong năm nay. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, đại diện PTI cho biết, doanh thu năm nay vẫn là một ẩn số.
Hay với Bảo Minh, doanh thu bảo hiểm học sinh năm ngoái đạt 205 tỷ đồng. Đầu năm 2020, Bảo Minh đặt mục tiêu đạt khoảng 213,6 tỷ đồng từ mảng này, nhưng dịch bệnh bùng phát khiến khả năng hoàn thành kế hoạch chỉ là 80%.
Ngoài việc áp dụng các chính sách ưu đãi cũ, năm nay, các doanh nghiệp còn phải nghiên cứu và triển khai nhiều chính sách ưu đãi hơn cho học sinh để gia tăng sức hút như tăng quyền lợi, giảm phí, đơn giản hóa thủ tục bồi thường…
Hiện tại, cuộc chạy đua bảo hiểm học sinh đang trong giai đoạn gay cấn nhất và các doanh nghiệp bảo hiểm phải tung hết các “chiêu” để giành được thị phần lớn hơn. Có thể thấy, sức cạnh tranh gia tăng đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng và nhà trường, nhưng cũng có thể khiến mảng bảo hiểm học đường khó tăng cao trong năm nay, thậm chí khó đạt mức tương tự như năm trước.