Bảo hiểm học sinh gặp khó vì Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã “vào mùa”, nhưng bảo hiểm học sinh đã không còn rộn ràng như mọi năm khi dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc chào bán. 
Dịch bệnh khiến doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nhà trường, phụ huynh học sinh. Dịch bệnh khiến doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nhà trường, phụ huynh học sinh.

Thông thường, khi học sinh bắt đầu kết thúc năm học vào cuối tháng 5 hàng năm thì cũng là lúc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tiếp cận, chào bán và có thể “chốt” cơ bản với các trường học về các gói bảo hiểm học sinh, để tới tháng 8 tiến hành các thủ tục ký hợp đồng.

Tuy nhiên, năm nay, dù đã tiếp cận hết với các trường tính đến thời điểm này, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể “chốt” được hợp đồng vì còn phụ thuộc vào lịch học chính thức.

“Năm nay, do kết thúc năm học muộn, trong khi thời gian bắt đầu năm học mới còn đang bỏ ngỏ bởi phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, khiến cho việc tiếp cận với nhà trường, phụ huynh để giới thiệu về sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh cũng khiến cho thu nhập của nhiều phụ huynh bị giảm đi, nên việc bỏ tiền mua bảo hiểm tự nguyện sẽ không dễ dàng như những năm trước”, đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nhìn nhận.

Bảo hiểm tai nạn học sinh, sinh viên là loại hình bảo hiểm tự nguyện, xét ở khía cạnh bảo vệ thì đây là sản phẩm cần thiết, bổ sung cho những hạn chế của sản phẩm bảo hiểm y tế thông thường.

Theo số liệu thống kê của một doanh nghiệp đứng đầu thị trường về khai thác sản phẩm bảo hiểm này, mỗi năm doanh nghiệp chi trả khoảng 55 tỷ đồng tiền bồi thường cho các vụ tai nạn, thương tích, tương đương hơn 30.000 vụ bồi thường đã được thực hiện trên toàn quốc.

Bảo hiểm học sinh - sinh viên tuy có tỷ trọng đóng góp còn khiêm tốn trong phân khúc bảo hiểm sức khỏe, nhưng luôn là nghiệp vụ được các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chú trọng bởi tiềm năng khai thác rộng mở, trong khi tỷ lệ bồi thường không cao, lại đảm bảo được nguyên lý “số đông bù số ít”.

Số liệu sơ bộ của doanh nghiệp bảo hiểm năm 2019 cho thấy, doanh thu bảo hiểm học sinh toàn thị trường đạt hơn 800 tỷ đồng.

Đây là mức không quá cao, nhưng vì dư địa khai thác còn rất lớn (khoảng 22 triệu học sinh x phí bảo hiểm 100.000 đồng/học sinh/năm, tương đương với 2.200 tỷ đồng), nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường này.

Do là nghiệp vụ dễ khai thác và có tỷ lệ rủi ro thấp, nên bảo hiểm học sinh luôn cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu không thể cạnh tranh bằng cơ chế, quyền lợi sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ sử dụng “mối quan hệ” với cơ quan quản lý để tiếp cận với nhà trường. Các doanh nghiệp có tỷ trọng khai thác doanh thu lớn về nghiệp vụ bảo hiểm học sinh - sinh viên có thể kể đến là Bảo Việt, PTI, Bảo Minh, PJICO, PVI…

Tuy nhiên, năm nay, vì khó khai thác hơn mọi năm nên mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn.

Covid khiến cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng âm và bảo hiểm học sinh được xem là một trong những “cứu cánh” giúp tăng trưởng doanh thu.

Bên cạnh các chính sách quen thuộc, năm nay, các doanh nghiệp phải nghiên cứu và triển khai nhiều chính sách ưu đãi hơn cho học sinh như tăng quyền lợi, đơn giản hóa thủ tục bồi thường, giảm phí…

Dẫu vậy,  việc khai thác cũng không dễ dàng hơn do quyền lợi của các sản phẩm này cơ bản giống nhau giữa các doanh nghiệp, nên phụ huynh và nhà trường thường ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có mạng lưới dịch vụ rộng, thủ tục chi trả bồi thường đơn giản và nhanh chóng.

“Không kỳ vọng tăng trưởng cao, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ vẫn tìm mọi phương án để khai thác  nghiệp vụ này, sao cho ít nhất doanh thu cũng tương đương năm 2019, cho dù đây không phải bài toán đơn giản”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.                         

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục