Chưa có số liệu thống kê chi tiết riêng về bảo hiểm học sinh, nhưng theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và con người nói chung tuy không đạt mức tăng trưởng cao nhất, nhưng vẫn là trụ cột mang lại nguồn thu chính cho các DNBH, khi doanh thu ước đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng 24% và chiếm tỷ trọng 29% tổng doanh thu thị trường.
Với riêng bảo hiểm học sinh, các DNBH cho rằng, sản phẩm này đang khó bán hơn trước, bởi đây là nghiệp vụ mang tính tự nguyện (không bắt buộc như bảo hiểm y tế), tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, lại từng vấp phải sự phản ứng của dư luận tại các mùa tựu trường năm trước.
Theo đó, trong một vài năm trước đây, từng xuất hiện các văn bản chỉ đạo từ một số cơ quan ban ngành được gửi tới trường học để chỉ định trực tiếp một số hãng bảo hiểm được phép triển khai bán bảo hiểm học sinh. Tình trạng này đã được phản ánh gây bức xúc trong dư luận.
Năm nay, diễn biến trên không còn, khi một số DNBH đã “sáng tạo” cách bán hàng mới lạ. Chẳng hạn cách tạo quỹ học bổng như Bảo hiểm Bảo Việt, được thể hiện tại Công căn số 489/SGD&ĐT-VP của Sở Giáo dục và đào tạo Phú Thọ ngày 2/5/2018 do Phó giám đốc Sở, bà Nguyễn Thị Thu Huyền ký, gửi trưởng phòng giáo dục đào tạo thành phố, huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở.
Theo đó, Công văn nêu rõ: “Thực hiện kế hoạch liên ngành giữa Sở và Công ty Bảo Việt Phú Thọ (đơn vị trực thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, trụ sở tại Hà Nội - PV) về thực hiện công tác khuyến học và đề phòng, hạn chế tổn thất trong trường học, năm học 2017 - 2018, các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo viên học sinh đã tự nguyện tham gia bảo hiểm thân thể tại Bảo Việt Phú Thọ, công tác bảo hiểm thân thể đóng góp tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao, hoàn thiện hệ thống y tế trường học”.
“Căn cứ thông báo của Bảo Việt Phú Thọ, tổng số tiền Quỹ khuyến học Bảo Việt của các đơn vị năm học 2017 - 2018 nhận đợt này là 482 triệu đồng và Sở cũng đề nghị các đơn vị có tên trong danh sách chưa nhận tiền tiến hành bình xét, lập danh sách các học sinh đạt chuẩn và gửi về Bảo Việt Phú Thọ để tiến hành trao học bổng”.
Đoạn cuối Công văn nêu: “Phát huy những kết quả đạt được, đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc tham gia (trên cơ sở tự nguyện) bảo hiểm thân thể Bảo Việt đến các đối tượng tham gia bảo hiểm, cũng như phối hợp với Bảo Việt Phú Thọ thực hiện tốt công tác giải quyết quyền lợi bảo hiểm, qua đó nâng cao chất lượng Quỹ khuyến học Bảo Việt trong năm 2018 - 2019”.
Có ý kiến cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có lợi thế, phương thức tiếp cận khách hàng và cung cấp dịch vụ khác nhau, nếu có mức phí hấp dẫn và dịch vụ bồi thường/chăm sóc khách hàng tốt thì cách làm này là đáng khích lệ.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số công ty bảo hiểm khác chia sẻ, việc lồng ghép cách bán hàng mới lạ như trên khiến họ gặp khó khăn khi tiếp cận một số trường tại tỉnh Phú Thọ để bán sản phẩm.
“Khuyến học là khuyến học, được xem là một khoản chi phí trong kinh doanh, không được đánh đồng hoạt động thiện nguyện và vận động hành lang, hay đả động đến tên nhà cung cấp dưới bất kỳ hình thức nào”, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đây chỉ là công văn ủng hộ quỹ khuyến học, thể hiện thiện chí của Công ty là ủng hộ các hoạt động xã hội cộng đồng, không nên bóp méo thành bất kỳ hình thức nào.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền thì cho hay: “Công văn này chỉ nói đến quỹ học bổng là chính, không có ý gì khác và luôn khuyến khích các quỹ học bổng tương tự để hỗ trợ học sinh từ bất kỳ tổ chức nào”.
“Dẫu có nhắc đến Bảo Việt, nhưng chúng tôi đã mở ngoặc rất rõ là tham gia tuyên truyền việc mua bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện. Còn sau đó, việc tham gia mua bảo hiểm hay không, với doanh nghiệp nào là tùy vào từng đơn vị. Sở không có ý can thiệp.
Về quan điểm cho rằng các trường chỉ được phối hợp với Bảo Việt, tôi tin là không có trường nào hiểu như vậy thế. Ngay cả Sở cũng không biết chính xác đến nay các trường đang phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm nào”, bà Huyền chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận từ các công ty bảo hiểm thành viên tại một số địa bàn lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, ngoài việc sáng tạo ra cách bán hàng mới, năm nay, các công ty tiếp tục sử dụng chiêu tiếp thị cũ nhưng mức độ chi mạnh tay hơn.
Tại một số tỉnh thành, các công ty bảo hiểm như AAA, Bảo hiểm Hàng Không, MIC, Xuân Thành… đưa ra khoản chi khá cao để thu hút các trường mua bảo hiểm. Mức chi hoa hồng theo quy định đối với mảng này là 20% doanh thu phí bảo hiểm, nhưng thực tế, có nơi chi lớn hơn nhiều.