Ông đánh giá ra sao về vai trò của việc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính quốc gia?
Trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, vai trò của việc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm là hết sức quan trọng và gắn kết chặt chẽ với thị trường tài chính nói chung. Việc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm đã được Chính phủ đề cập đến tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”.
Ông Bùi Gia Anh
Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam ngày 20/9/2018, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nhận thức về phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, cấu trúc của nền tài chính quốc gia và sự cần thiết phải tái cấu trúc nền tài chính quốc gia; đánh giá thực trạng tái cấu trúc nền tài chính quốc gia của Việt Nam, nhận diện những thách thức đặt ra trong quá trình tái cấu trúc hướng đến phát triển bền vững; vai trò của tài chính cũng như xu hướng xã hội hóa công tác an sinh xã hội.
Diễn đàn cũng xem xét mối quan hệ giữa thị trường tài chính và quá trình phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, các yêu cầu tái cấu trúc thị trường tài chính hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hướng đến ba trụ cột là thị trường vốn, hệ thống ngân hàng, thị trường bảo hiểm.
Từ đó, đưa ra những kiến nghị đề xuất và những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn kinh tế tài chính mà xã hội đặt ra. Diễn đàn Tài chính Việt Nam thu hút khoảng 280 đại biểu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế - tài chính đến từ các cơ quan tổ chức trong nước như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các tổ chức quốc tế.
Thị trường bảo hiểm sau 5 năm triển khai tái cấu trúc theo đề án của Chính phủ đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?
Sau hơn 5 năm triển khai, thị trường bảo hiểm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, hệ thống pháp luật trong kinh doanh bảo hiểm ngày càng được xây dựng đầy đủ, đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan, thị trường đã phát triển phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia theo từng thời kỳ; tăng cường tính an toàn và hiệu quả bền vững của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của tổ chức cá nhân, đóng góp tích cực cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế và an sinh xã hội, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dần tiếp cận với các chuẩn mực thông lệ quốc tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.
Còn về mặt con số thì sao, thưa ông?
Trong hơn 5 năm qua, thị trường bảo hiểm luôn duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức cao trên 20%/năm, tổng tài sản bình quân tăng 21%/năm, tổng các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm thực hiện nghĩa vụ cam kết chi trả bồi thường cho khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 21%/năm. Tính đến tháng 11/2018, đầu tư trở lại cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 314.900 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ luôn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 30%/năm và là kênh huy động vốn nhàn rỗi hiệu quả từ người dân. Tổng doanh thu phí bảo hiểm mỗi năm tăng trên 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thị trường bảo hiểm nhân thọ cho đến nay đã cung cấp hơn 8 triệu hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng; chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người dân đạt khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm; tạo công ăn việc làm cho gần 10.000 người lao động trong ngành bảo hiểm và gần 650.000 đại lý bảo hiểm.
Có thể nói, những năm gần đây, thị trường bảo hiểm luôn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn nhàn rỗi hiệu quả từ người dân. Nhờ đó, thị trường đã đầu tư trở lại nền kinh tế hàng trăm ngàn tỷ đồng. Những thông số trên có được là nhờ công cuộc tái cấu trúc thị trường trong suốt hơn 5 năm qua.
Ngoài vai trò của cơ quan quản lý thị trường thì đó còn nhờ đâu, thưa ông?
Ngoài vai trò của cơ quan quản lý trong việc ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đạt được kết quả trên còn là nhờ sự nỗ lực cố gắng của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời có sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí đã tạo cầu nối đưa các sản phẩm bảo hiểm ngày càng gần gũi với người dân, trở thành giải pháp, công cụ tài chính hữu hiệu cho người dân.
Chưa thấy ông nhắc đến vai trò của Hiệp hội, cầu nối quan trọng giữa thị trường với cơ quan quản lý. Năm 2018, IAV đã góp phần vào kết quả tăng trưởng chung của ngành thế nào, thưa ông?
Năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên chính thức cùng các hội viên liên kết tiếp tục cùng đoàn kết thực hiện những hoạt động chung, tạo nên sức mạnh cộng đồng của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp quy.
Với vai trò của mình, IAV đã chung sức cùng các doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng nhiều văn bản pháp quy cũng như phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bảo hiểm, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển.
IAV đã đóng góp ý kiến cho Đề án Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm; dự thảo Luật Cạnh tranh gửi Ủy ban Kinh tế - Văn phòng Quốc hội; dự thảo Thông tư hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản dự phòng; dự thảo Thông tư về thi và cấp chứng chỉ đại lý; dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.
Ngoài ra, IAV cũng có văn bản phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi có những thay đổi quy định trích lập dự phòng theo Thông tư 50 và lãi suất trái phiếu chính phủ giảm và kiến nghị việc thay đổi quy định về trích lập dự phòng,…
Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, IAV đã tích cực tổng hợp ý kiến của hội viên gửi lên các bộ, ban, ngành như:
Kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn định nghĩa các nhóm trong mục bảo hiểm sức khỏe được quy định tại Thông tư 50/2017/TT- BTC; đề xuất Bộ Tài chính và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hướng dẫn thực hiện Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và Bộ Tài chính; tổng hợp các đề xuất của doanh nghiệp bảo hiểm về việc đơn giản hóa các báo cáo mà doanh nghiệp phải gửi thường kỳ, làm công văn gửi Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính xem xét giải quyết; kiến nghị với Bộ Công thương đề nghị loại bỏ lĩnh vực bảo hiểm ra khỏi danh mục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…
Ngoài ra, IAV luôn phối hợp chặt chẽ, cùng chung sức, đồng hành với các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp bảo hiểm hội viên thông qua việc họp định kỳ ban chuyên môn bán chuyên trách khối nhân thọ và phi nhân thọ, họp hội viên liên kết, báo cáo sơ kết hoạt động của IAV và tổng quan thị trường… và cùng thảo luận những công việc để hỗ trợ hội viên. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, Hiệp hội đang nhận được sự tin tưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như của cơ quan quản lý và các tổ chức trong và ngoài nước.
Chưa có số liệu cả năm 2018, tính đến hết tháng 11/2018, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 118,1 nghìn tỷ đồng, tăng 40,2% so cùng kỳ năm 2017; tổng giá trị tài sản đạt 379,2 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6%. Toàn ngành Bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế 314,9 nghìn tỷ đồng, tăng 33,3%. Các doanh nghiệp đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 33,3 nghìn tỷ đồng, tăng trên 20% so cùng kỳ năm 2017.