Thị trường bảo hiểm đang thay đổi nhanh chóng
Tại Hội thảo thường niên ngành bảo hiểm năm 2018 với chủ đề: “Công nghệ và IFRS 17 sẽ định hướng tương lai của ngành bảo hiểm như thế nào?” do EY Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo bảo hiểm (IRT) thuộc Cục Giám sát, Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính) đồng tổ chức, ông Patrick Hanna, Phó tổng giám đốc mảng Dịch vụ tài chính của EY Singapore đã đưa ra 4 yếu tố chủ đạo đang tác động mạnh mẽ đến tương lai thị trường bảo hiểm.
Thứ nhất, thế giới đang phát triển chóng mặt với những nền tảng công nghệ mới là Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, các thiết bị kết nối điện tử... đã, đang và sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị của các công ty bảo hiểm trên thị trường.
Thứ hai, kỳ vọng của khách hàng đang ngày càng gia tăng, có xu hướng tìm kiếm sự khác biệt và cá nhân hóa trong quá trình trải nghiệm dịch vụ. Khi khách hàng có được sự trải nghiệm thỏa đáng, thân thiện, minh bạch và cá nhân hóa ở các ngành và lĩnh vực khác, họ cũng sẽ kỳ vọng có những trải nghiệm tương tự trong ngành bảo hiểm.
Thứ ba, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm. Điển hình như mức lãi suất thấp trên thế giới hiện nay đang đặt áp lực lên hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm. Khách hàng có xu hướng không muốn mua bảo hiểm khi mức lãi suất thấp và đây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm doanh thu cũng như lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.
Ông Patrick Hanna, Phó tổng giám đốc, EY Singapore (bên phải) và ông Varun Parmar, Giám đốc Chiến lược kỹ thuật số EY Singapore (bên trái) tại Hội thảo.
Thứ tư, sẽ diễn ra một cuộc chiến ngầm trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao trong ngành. Lực lượng lao động hiện tại chưa được chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng do kỹ thuật số mang lại, đặc biệt những yêu cầu nhân sự cho những ngành mới như Khoa học dữ liệu (Data Science), Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX design) hay Marketing kỹ thuật số (Digital marketing)..., chắc chắn sẽ thiếu hụt trong thời gian sắp đến.
Các yếu tố trên được ông Patrick Hann đánh giá sẽ tạo ra những xu hướng mới cho thị trường bảo hiểm, chẳng hạn như xu hướng áp dụng Big Data vào quá trình phân tích dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết đối với hành vi khách hàng, từ đó nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng. Hoặc xu hướng gia tăng khả năng linh hoạt và di động của đội ngũ nhân viên, đại lý thông qua các kết nối điện tử. Gia tăng các bước kiểm soát, cải thiện quy trình và sử dụng công nghệ để giảm thiểu sai sót và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn về tuân thủ...
Tất cả những xu hướng này sẽ tạo ra những thay đổi vô cùng lớn và bất kỳ một doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng không nằm ngoài những tác động mà các yếu tố này mang lại. Trong cuộc chiến mới về thị phần bảo hiểm trên thị trường, sự thành công sẽ dành cho những ai tận dụng được sức mạnh của công nghệ, cũng như nắm bắt và chuyển mình tốt nhất với những xu hướng đó.
"Đứng trước bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ số hóa vào bảo hiểm, hay gọi tắt là Insurtech, sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức to lớn", ông Patrick Hanna nhận định.
IFRS không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về mặt kế toán
Theo các chuyên gia EY, bên cạnh xu thế về công nghệ, việc thắt chặt và thay đổi trong hệ thống Chuẩn mực IFRS là một trong những thay đổi quan trọng nhất, không chỉ đơn thuần về mặt kế toán, mà có tác động to lớn đến toàn bộ hoạt động vận hành của các doanh nghiệp bảo hiểm (từ bộ phận giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cho đến các bộ phận chức năng hỗ trợ).
Bà Vanessa Lou, Giám đốc, Dịch vụ định phí Bảo hiểm tại thị trường Đông Nam Á, EY Singapore trình bày tại Hội thảo.
Với lộ trình áp dụng thực hiện báo cáo theo Chuẩn mực IFRS 17 từ năm 2025, thay đổi hoàn toàn từ hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải có sự chuẩn bị sớm cho một sự lột xác toàn diện nhằm hướng đến những tiêu chuẩn của hệ thống kế toán quốc tế.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp không nên đánh giá thấp khối lượng thời gian và hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và khổng lồ nhằm đáp ứng được những yêu cầu minh bạch về tài chính và vận hành mà chuẩn mực đã đặt ra.
Theo bà Vanessa Lou, Giám đốc Dịch vụ định phí Bảo hiểm tại thị trường Đông Nam Á, EY Singapore, phần lớn thời gian và khối lượng công việc nằm ở việc thay đổi toàn diện chuỗi quá trình thu thập cơ sở dữ liệu từ đầu đến cuối, cũng như việc thay đổi hệ thống và các quy trình hiện hành để đám bảo quá trình thu thập cơ sở dữ liệu đáp ứng được những quy tắc khắt khe của chuẩn mực.
Bà Vanessa cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp cần thiết phải xác định rõ mục tiêu và mức độ tuân thủ chấp hành chuẩn mực theo từng giai đoạn ngay tại thời điểm ban đầu, từ đó, mới có thể xác định nguồn lực cũng như chi phí nhằm thực hiện sự thay đổi lớn này.