Bảo hiểm chưa hết lo kinh doanh gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa công bố sai phạm của một số doanh nghiệp nhân thọ trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và điều này gây lo ngại sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh tháng 7 cũng như quý III/2023, khi mà dư chấn của cuộc khủng hoảng truyền thông trước đó còn chưa qua.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ vừa trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước tới nay Thị trường bảo hiểm nhân thọ vừa trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước tới nay

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, dù tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 725.400 tỷ đồng, tăng 15,4% và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35.300 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2023 toàn ngành ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% và trong nửa đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 3,3% và lĩnh vực nhân thọ ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6%.

“Kênh bancassurance vẫn đang trong ‘tâm bão’, trong khi doanh thu khai thác mới qua kênh đại lý vẫn chưa cải thiện, nên dự báo tăng trưởng 2 kênh này trong tháng 6 cũng như quý II/2023 tiếp tục kém khả quan bởi 2 tháng trước đều đã tăng trưởng âm. Do đó, lo ngại tăng trưởng phí mới tiếp tục giảm sút trong quý III này là có cơ sở, nhất là kinh tế vẫn khó khăn, niềm tin vào bảo hiểm chưa được phục hồi, các đợt thanh - kiểm tra tiếp tục được thực hiện...”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay.

Được biết, sau khi công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 7 mới đây, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và sự liên kết kinh doanh bảo hiểm - ngân hàng. Năm 2023, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh kiểm tra 10 công ty bảo hiểm cả trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ.

Khác với khối nhân thọ, khó khăn với các doanh nghiệp phi nhân thọ chủ yếu do kinh tế suy thoái, kéo theo sự giảm tốc của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ đó dẫn tới doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu… sụt giảm.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến bảo hiểm phi nhân thọ chưa thể tăng tốc là các nghiệp vụ bán lẻ chưa trở lại “đường đua”. Thị trường ô tô khó khăn kéo theo sự đi xuống của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, nên trong các nghiệp vụ bán lẻ, bảo hiểm con người vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, do tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này tăng cao (năm 2022 đạt hơn 30%) và là nguyên nhân chính gây thua lỗ tại một số công ty bảo hiểm nên việc khai thác trở nên thận trọng hơn.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, sản phẩm Vững Tâm An từng gây tổn thất rất lớn và hiện vẫn đang phải xử lý hậu quả, làm giảm uy tín của Công ty trên thị trường. Được biết, năm 2022, PTI lỗ 347,4 tỷ đồng chủ yếu xuất phát từ tỷ lệ bồi thường cao của sản phẩm bảo hiểm Vững Tâm An.

Dẫu vậy, trong bối cảnh hiện tại, các sản phẩm bán lẻ như bảo hiểm cơ giới hay bảo hiểm con người vẫn được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp phi nhân thọ, như chia sẻ của bà Phạm Minh Hương, PTI sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược là nhà bảo hiểm bán lẻ hàng đầu thị trường.

“Trong điều kiện hiện tại, PTI không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số, mà ưu tiên kiến tạo một nền tảng kinh doanh bền vững để gia tăng sức cạnh tranh trong tương lai”, bà Hương nhấn mạnh.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục