Theo đó, vào ngày 12/6/2023, Cơ quan điều tra Hình sự (Bộ Quốc Phòng) đã ra bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố 4 bị can về tội chiếm đoạt tài sản, trong đó có 1 bị can là giám đốc kinh doanh phụ trách tổng đại lý khu vực Hải Phòng của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang bị tạm giam. Với 7 hợp đồng bảo hiểm được thanh toán quyền lợi bảo hiểm, các bị can đã chiếm đoạt của các công ty bảo hiểm số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Liên quan đến một số tư vấn viên bảo hiểm trong vụ án, bản kết luận cũng cho biết, tài liệu điều tra xác định 6 tư vấn viên bảo hiểm của Daiichi-Life, MB Ageas, Hanwha Life, FWD và Prudential (2 người) cùng một số tư vấn viên của các công ty bảo hiểm khác trong quá trình tư vấn đã không gặp trực tiếp khách hàng Nguyễn Văn Khánh, mà gián tiếp trao đổi và giao nhận hồ sơ bảo hiểm qua Vũ Thị Ngọc Hà (Ban Hậu cần, Viện Y học Hải Quân, Quân chủng Hải quân).
Trong quá trình tư vấn, các tư vấn viên trên không biết khách hàng Nguyễn Văn Khánh đã bị ung thư tuyến giám trước khi mua bảo hiểm, cũng không ký hợp đồng lao động, không được hưởng lương từ các công ty bảo hiểm, không thỏa thuận ăn chia và không được hưởng lợi số tiền từ Khánh và Hà chiếm đoạt được của các công ty bảo hiểm. Kết quả điều tra đến nay vẫn chưa có căn cứ xử lý hình sự các cá nhân trên.
Bản kết luận kiến nghị các công ty bảo hiểm cần có biện pháp hướng dẫn các đại lý, nhân viên tư vấn thực hiện nghiêm túc việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng đảm bảo đúng đối tượng, đúng người theo căn cước công dân, phối hợp với các cơ sở y tế giám sát việc khám sức khỏe cho khách hàng theo chỉ định, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân trong quá trình thiết lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, hồ sơ giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Bệnh viện 108, Bệnh viện Hồng Phúc cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc đăng ký thông tin cá nhân của khách hàng đến khám sức khỏe, thực hiện khám đúng người có thông tin cá nhân để đăng ký đúng quy trình và tuân thủ hợp đồng đã ký với các công ty bảo hiểm.
Cùng ngày, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố cáo của công dân sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an về việc bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ của Sunlife Việt Nam qua TPBank. Như vậy, sau vụ việc hàng trăm đơn tố cáo bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife qua SCB, đến nay, theo tổng hợp của Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt, tiếp tục có thêm hàng chục khách hàng tố cáo bị lừa mua bảo hiểm của Sunlife qua TPBank.
Trước đó, xác nhận với báo chí, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết đã nhận được đơn tố cáo của nhiều khách hàng về việc bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ liên quan tới nhiều công ty bảo hiểm và ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra tuân thủ theo quy định tại Luật Thanh tra hoặc Luật Tố cáo. Sau khi nhận được đơn tố cáo, Cục sẽ phân loại và gửi đến đơn vị bị phản ánh cùng các cơ quan quản lý có trách nhiệm.
Mới đây, vào ngày 22/6/2023, Báo Đầu Chứng khoán nhận được đơn thư của khách hàng phản ánh việc khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm của công ty bảo hiểm hiện có doanh thu bảo hiểm lớn nhất thị trường. Liên hệ với công ty bảo hiểm và ngân hàng thì được biết, bộ phận nghiệp vụ đang rà soát lại thông tin, kết quả giải quyết cho khách hàng sẽ được cập nhật và trả lời báo chí sau.
Một vụ án khác, ngày 2/6/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Nam (sinh năm 1981, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam) về tội tham ô tài sản.
Lợi dụng chức vụ được giao, trong giai đoạn 2018-2022, Nam đã thu phí bảo hiểm của nhiều khách hàng nhưng không nộp về Công ty, mà chiếm đoạt số tiền gần 300 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cũng thông tin rằng, người dân đã nộp tiền phí bảo hiểm cho Nam và bị chiếm đoạt như nêu trên đến cơ quan này để trình báo hoặc liên hệ điều tra