Không phủ nhận việc Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là cần thiết, được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, cũng như giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước những rủi ro bất ngờ, nhưng vì sao sản phẩm rẻ và có có ý nghĩa như vậy lại chỉ có khoảng 10-20% chủ xe mô tô xe máy mua và chủ yếu mua để đối phó (theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nguyên nhân chủ yếu là do người dân không hiểu được quyền lợi bảo hiểm của mình và đặc biệt là có hiểu thì vẫn còn tâm lý bảo hiểm khó đòi, nhiều thủ tục.
Mặc dù chưa có số liệu riêng về tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường cho bảo hiểm xe máy, nhưng theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, số tiền bồi thường trách nhiệm dân sự chung ô tô và xe máy năm 2019 ước đạt trên 820 tỷ đồng.
Nếu tính đơn giản trên tổng 30 doanh nghiệp bán bảo hiểm, thì số tiền tiền bồi thường cho bảo hiểm xe máy cũng lên đến vài trăm tỷ đồng/năm
Trong khi đó, thống kê riêng của doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn về xe cơ giới hiện nay như PTI, thì số tiền bồi thường mỗi năm cũng khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2019, Bảo hiểm PVI cũng đã giải quyết bồi thường hơn 500 vụ bảo hiểm xe mô tô với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác không tách riêng tỷ lệ bồi thường của xe máy mà tính chung trong xe cơ giới gồm cả ô tô, nhưng các doanh nghiệp này ước tính tỷ lệ bồi thường hàng năm của bảo hiểm xe máy là khoảng 10%/tổng doanh thu….
“Nếu tính đơn giản trên tổng 30 doanh nghiệp bán bảo hiểm, thì số tiền tiền bồi thường cho bảo hiểm xe máy cũng lên đến vài trăm tỷ đồng/năm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Dù số tiền bồi thường cho loại hình bảo hiểm xe cơ giới (ô tô và xe máy) được chi trả hàng năm không hề nhỏ và cũng hỗ trợ phần nào kinh tế các gia đình không may gặp rủi ro khi tham gia giao thông, nhưng bảo hiểm cơ giới, đặc biệt là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự vẫn bị thờ ơ.
Theo chia sẻ trên các diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là việc bồi thường bảo hiểm phương tiện quá mất thời gian và nhiều thủ tục, thậm chí nhiều trường hợp mất thời gian sau đó không được chi trả…
Rất nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy, mạnh dạn hủy bỏ các quy định “làm khó” cho người dân khi làm thủ tục bồi thường…
Trao đổi với báo giới, đại diện PVI cho rằng, thực tế có nhiều vụ va chạm phát sinh tổn thất nhẹ nên các chủ xe tự chủ động thương lượng để giải quyết, mà không thông báo kịp thời cho công ty bảo hiểm, nên không thể hướng dẫn làm thủ tục giải quyết hoặc không có đủ cơ sở để xem xét bồi thường.
Ngoài ra, một số trường hợp cần phải có hồ sơ của cơ quan chức năng để xác định mức độ lỗi làm căn cứ giải quyết bồi thường. Khi công ty bảo hiểm hướng dẫn thủ tục nhiều chủ xe có tâm lý ngại mời cơ quan chức năng vào lập hồ sơ hoặc sợ mất thời gian, nên cũng không tiếp tục khiếu nại.
Bên cạnh đó, một số trường hợp công ty bảo hiểm đã hướng dẫn thu thập và cung cấp các tài liệu cần thiết, tuy nhiên phía khách hàng chưa cung cấp đầy đủ và kịp thời nên cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.
“Về phía Bảo hiểm PVI, sau khi tiếp nhận thông tin đều hướng dẫn khách hàng thực hiện các công việc cần thiết hoặc trực tiếp cử cán bộ đến hiện trường để kịp thời hỗ trợ khách hàng nhằm thu thập đầy đủ tài liệu làm cơ sở giải quyết kịp thời và đảm bảo tối đa quyền lợi”, đại diện hãng bảo hiểm này cho biết.
Trong khi đó, theo đại diện PTI, hiện nay, tất cả các thủ tục bồi thường liên quan đến trách nhiệm dân sự các doanh nghiệp bảo hiểm đều tuân thủ theo Thông tư 22 của Bộ Tài chính về các thủ tục giấy tờ nhằm đảm bảo sự chính xác và khách quan trong quá trình bồi thường, trong đó phần giấy tờ mà mọi người ngại nhất là xác nhận của cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng.
Thực tế, trong Thông tư đã có hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng như với những vụ tổn thất nhỏ dưới 10 triệu đồng, thay vì hồ sơ của công an, thì chỉ cần biển bản xác nhận tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng và chính quyền địa phương.
Lý giải về việc tại sao phải có xác nhận của cơ quan công an hoặc địa phương, đại diện một doanh nghiệp cho biết, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một sản phẩm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tất cả người dân dù trong điều kiện kinh tế như nào cũng sẽ vẫn được bảo vệ bởi các quyền lợi bảo hiểm. Chính vì vậy, việc bồi thường cần có sự xác minh của cơ quan liên quan nhằm đảm bảo sự minh bạch, chính xác số tiền bồi thường được chi trả đúng và đủ cho người bị thiệt hại.
Bảo hiểm xe máy chia làm 2 loại: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện (bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe và bảo hiểm vật chất xe).
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bảo hiểm trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn thì đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường một khoản tiền cho người bị tai nạn với mức trách nhiệm 100 triệu đồng/người/vụ và 50 triệu đồng/vụ (đối với tài sản).
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường cho chủ xe. Chủ xe muốn được bồi thường về xe hay tính mạng cho chính mình, thì phải mua một trong các loại bảo hiểm còn lại.
Các loại bảo hiểm đang bán với giá rẻ 10.000 đồng hay 20.000 đồng hiện nay là bảo hiểm tự nguyện dành cho việc bồi thường tính mạng người ngồi phía sau người lái, giá trị bồi thường khoảng 10 triệu đồng/vụ.