Bảo hiểm bán lẻ chiếm thế thượng phong

(ĐTCK) Ước tính 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 20.459 tỷ đồng, tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chiếm gần 60%, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011.
Bảo hiểm bán lẻ chiếm thế thượng phong

Bảo hiểm bán lẻ chiếm thế thượng phong  ảnh 1Kênh phân phối cùng là ưu tiên của các DN bảo hiểm khi khai phá thị trường bảo hiểm cá nhân

 

Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm thế “thượng phong” trong cuộc đua giành thị trường giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tiêu biểu là các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cá nhân, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nhà tư nhân…

Đầu tháng 7/2012, BIC đã liên tục cho ra mắt 2 sản phẩm mới là Bảo hiểm cháy nổ xe máy và Bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân với mức phí mà theo doanh nghiệp này là cạnh tranh nhất trên thị trường. Trước đó, Bảo Việt và PTI cũng mới triển khai sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân với phạm vi bảo hiểm tương đối rộng và nhiều tùy chọn. Các doanh nghiệp bảo hiểm khác như PTI lại khai phá mảnh đất tiềm năng của bảo hiểm sức khỏe cá nhân thông qua kênh ngân hàng, môi giới…

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, khách hàng có cơ hội làm quen với các sản phẩm tương đối mới mẻ và “hợp thời” như: bảo hiểm điện thoại di động, bảo hiểm bảo hành mở rộng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện… Đặc biệt, cùng với hiện tượng cháy xe máy liên tục xảy ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhanh chóng chớp thời cơ triển khai các sản phẩm bảo hiểm cháy nổ xe máy với mức phí hấp dẫn, một vài doanh nghiệp còn triển khai cung cấp sản phẩm này qua các trang web bán hàng theo nhóm (Nhóm mua, Mua chung, Hot deal…) với mức phí “rẻ hơn cả tô phở”. Trong danh sách tham gia hình thức này, các công ty tích cực nhất có thể kể tới là AAA, Viễn Đông, PJICO, Bảo Minh…

Song song với triển khai sản phẩm mới, trong nỗ lực đẩy các sản phẩm bảo hiểm cá nhân ra thị trường, khâu quảng cáo, tiếp thị được các doanh nghiệp bảo hiểm đặc biệt ưu tiên. Giờ đây, một cá nhân có thể là mục tiêu của nhiều công ty bảo hiểm với các tin nhắn, thư điện tử, điện thoại chào mời, giới thiệu sản phẩm, chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn. Giảm phí, tặng phí, tặng quà kèm theo, giảm giá khi mua theo nhóm…, là các hình thức thúc đẩy chính mà các công ty bảo hiểm triển khai với mong muốn kích thích khách hàng tham gia sản phẩm.

BIC đã triển khai chương trình tặng 600 phần quà cho những khách hàng đầu tiên mua sản phẩm Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân, giảm giá tới 30% khi khách hàng mua bảo hiểm tai nạn cá nhân BIC 24/24 theo nhóm. Vừa qua, Bảo Minh cũng rầm rộ thông báo chương trình giảm giá cho khách hàng mua bảo hiểm xe ô tô theo hợp tác với Nhóm mua với mức giảm phí lên đến 37%/năm. Bảo Việt cũng thông báo giảm 15% cho khách hàng tham gia sản phẩm Bảo hiểm nhà tư nhân mới triển khai…

Kênh phân phối cũng là ưu tiên của các doanh nghiệp bảo hiểm khi khai phá thị trường bảo hiểm cá nhân. PTI, Bảo Việt, BIC lựa chọn hướng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng để tận dụng mạng lưới phục vụ khách hàng rộng khắp của họ. Liberty , BIC tăng cường đầu tư cho kênh bán bảo hiểm qua website bằng các nỗ lực bổ sung sản phẩm bán qua kênh này, áp dụng tính năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến. MIC lại chọn triển khai bán bảo hiểm qua tin nhắn di động.

Bên cạnh đó, bài toán phát triển đại lý cá nhân để phân phối các sản phẩm bán lẻ cũng được các doanh nghiệp tính đến nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Một số công ty bảo hiểm tiết lộ, họ đang xúc tiến triển khai kênh bán bảo hiểm qua điện thoại (telesale), một kênh tương đối phổ biến đối với bảo hiểm nhân thọ nhưng lại chưa được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khai thác. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, telesale sẽ là kênh hiệu quả đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong tương lai, kênh này đặc biệt phù hợp với các sản phẩm đơn giản như bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, bảo hiểm sức khỏe con người… Mặc dù vậy, triển khai kênh bán hàng tiềm năng này cũng vẫn còn nhiều vướng mắc ở phương thức thanh toán, vấn đề pháp lý của các quyết định mua hàng…

Nền kinh tế đang tạo ra với nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo một số dự báo, tỷ lệ người sử dụng xe hơi tại Việt Nam sẽ tăng đến 26 xe hơi trên 1.000 người dân đến năm 2015, đạt 40 xe vào 2020 và khoảng 60 xe vào thời điểm 2025. Đây là cơ hội vàng cho cho các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác các sản phẩm bảo hiểm ô tô, vốn đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới ở nhiều doanh nghiệp. Thêm vào đó, mức sống càng tăng cao cùng với các nhu cầu cao cấp như chăm sóc sức khỏe, du lịch… sẽ mở ra các nhu cầu phái sinh khác, đặc biệt là nhu cầu bảo hiểm.

Việt Nguyễn
Việt Nguyễn

Tin cùng chuyên mục