Bảo hiểm 6 tháng đầu năm: Những gam màu tối

(ĐTCK-online) Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010. Theo đánh giá của cơ quan này, thị trường duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại một số hạn chế của những năm trước chưa khắc phục được.
Hiện tượng trục lợi bảo hiểm y tế vẫn diễn ra phổ biến.

Tính đến hết tháng 6, tổng số DN bảo hiểm trên thị trường là 50 đơn vị, trong đó có 28 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 11 DN bảo hiểm nhân thọ, 10 DN môi giới bảo hiểm và 1 DN tái bảo hiểm. Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 14.042 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.996 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 6.046 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhìn chung các nghiệp vụ đều tăng trưởng, trong đó bảo hiểm cháy tăng 125%, nông nghiệp 109%, xây dựng, lắp đặt tăng 68%, hàng hóa vận chuyển tăng 38,5%, gián đoạn kinh doanh tăng 39%, trách nhiệm chung tăng 33%, sức khỏe và tai nạn con người tăng 30,5%. Những thị trường mới, thị trường có nhiều tiềm năng nói trên đã được các DN bảo hiểm chú ý khai thác để tăng trưởng.

Vẫn theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng doanh thu hoạt động đầu tư 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 3.321 tỷ đồng, trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 875 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 2.446 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 3.979 tỷ đồng, trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ là 2.416 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ là 1.563 tỷ đồng.

Đến nay, tất cả các DN bảo hiểm đều đóng đủ vốn pháp định theo lộ trình 3 năm sau ngày ban hành Nghị định 46/2007/NĐ-CP (DN bảo hiểm phi nhân thọ tối thiểu 300 tỷ đồng, DN bảo hiểm nhân thọ tối thiểu 500 tỷ đồng). Hầu hết DN đã sửa đổi bổ sung quy trình và thủ tục khai thác bảo hiểm, giám định tổn thất và giải quyết bồi thường. Nhiều DN đã đưa dữ liệu trên vào phần mềm quản lý, phát huy được hiệu quả nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Các DN đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm bảo hiểm mới, mở rộng kênh phân phối sản phẩm, tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu.

Mặc dù đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả kinh doanh từ lĩnh vực bảo hiểm vẫn là thách thức lớn nhất đối với các DN hiện nay. Doanh thu và lợi nhuận của các DN bảo hiểm vẫn chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Sở dĩ hoạt động kinh doanh chính chưa mang lại nhiều lợi nhuận là do không ít DN chạy theo doanh thu, hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều kiện bảo hiểm và chưa kiểm soát tốt khâu bồi thường. Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), hạ phí bảo hiểm thì dễ, nhưng tăng phí là việc vô cùng khó khăn. Một DN bảo hiểm tăng phí đi liền với giảm doanh thu, mất khách hàng, nếu đồng loạt tăng phí thì vi phạm Luật Cạnh tranh.

Hiện tượng trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến. Chẳng hạn, đối với bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu khai báo tàu bị mất tích đang là vấn đề nổi cộm. Đối với sản phẩm bảo hiểm y tế, hiện tượng trục lợi vẫn xảy ra khi các DN bảo hiểm chưa thể kiểm soát chặt chẽ khâu điều trị như có người vẫn đi làm mà vẫn có được hồ sơ nằm viện, có người cho người thân mượn thẻ điều trị chất lượng cao mà chưa được kiểm soát…

Đạt kết quả tương đối khả quan trong 6 tháng đầu năm, nhưng hoạt động của các DN bảo hiểm đang đứng trước không ít thách thức trong 6 tháng cuối năm. Trong khi TTCK diễn biến không thuận lợi, hoạt động đầu tư tài chính khó lòng thu được lợi nhuận cao. Tình trạng cạnh tranh khốc liệt cũng khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bị thu hẹp thị phần. Trong khi đó, các DN bảo hiểm được nhận định là đối mặt với thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra nhiều hơn trong những tháng cuối năm.

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, trong 6 tháng cuối năm, thị trường bảo hiểm đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 18% toàn thị trường; nâng cao năng lực tài chính. Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của cả thị trường ổn định từ 15 - 20%/năm. Doanh thu phí bảo hiểm năm 2010 phấn đấu đạt 29.147 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 16.297 tỷ đồng (tăng khoảng 23% so với năm 2009), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 12.850 tỷ đồng (tăng khoảng 12,4%), doanh thu hoạt động đầu tư khoảng 6.474 tỷ đồng. Bên cạnh đó là nâng cao tính công khai, minh bạch, nâng cao tiêu chí, điều kiện trong việc cấp phép thành lập DN bảo hiểm.

Theo AVI, để đạt mục tiêu đề ra, các DN cần nghiên cứu, phát triển và đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, trình độ nhận thức và sự phát triển của thị trường; Tăng cường tính minh bạch của sản phẩm nhằm củng cố niềm tin của người tham gia bảo hiểm. Cần tập trung vào các mảng thị trường còn bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng. Cùng với đó là duy trì và nghiên cứu phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới qua ngân hàng, bưu điện... nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục