Tác nhân ô nhiễm bụi
Kẹt xe đường Nguyễn Trãi (Hà Nội)
Còn theo báo cáo mới nhất của Sở TNMT TP.HCM, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào Thành phố.
Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Ngoài ra, khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được từ tháng 1 - 9/2019 vượt quy chuẩn cho phép. Đại diện Sở TNMT TP.HCM nhận định, các hoạt động giao thông là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất tại Thành phố.
Theo Cục Đăng kiểm, hiện có hơn 50 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành trên cả nước, thải ra 80 - 90% lượng khí CO, HC và các độc tố có trong xăng, chiếm 50% trong tổng lượng Nox trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM có lượng xe máy chiếm khoảng 1/4 lượng xe cả nước, mức gây ô nhiễm từ xe máy ở mức khá cao.
Đề án “thò ra” lại “thụt vào”
Năm 2017, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về hạn chế xe cá nhân. Theo đó, đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Với xe ô tô, sẽ hạn chế bằng biện pháp thu phí tại các khu vực vành đai.
Đến đầu năm 2019, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải (GTVT) TP. Hà Nội, từng đưa ra ý tưởng sẽ thí điểm hạn chế xe máy tại 1 trong 2 tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - các trục giao thông chính phía Tây thường xuyên ùn tắc.
Ý tưởng này nhanh chóng bị “dập tắt” khi nhiều ý kiến phản ứng cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp, lý do giao thông công cộng của thành phố (gồm cả đường sắt đô thị, xe buýt, BRT) chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngay sau đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, “cấm xe máy là ý tưởng cá nhân của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, không phải ý kiến chính thức của thành phố”.
Với ô tô, đề án thu phí phương tiện vào nội đô (từ Vành đai 3 trở vào) đang được Sở GTVT chủ trì xây dựng, dự kiến sẽ trình HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm nay.
Tương tự vào năm 2017, TP.HCM cũng nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa giới chuyên gia, các nhà khoa học và cả phía người dân khi Viện Chiến lược - Phát triển GTVT, đơn vị được Sở GTVT thành phố đặt hàng xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, đề xuất phân vùng lưu thông, dự kiến tiến đến năm 2030 (hoặc sau đó) sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm. Sau một loạt các ý kiến góp ý, phản biện được ghi nhận, đề án này phải tạm ngưng.
Cũng như việc bắt đội mũ bảo hiểm, thời gian đầu người dân phản ứng nhưng khi họ thấy được đấy là vì chính lợi ích của họ thì ai cũng sẽ tự giác đội mũ và dần trở thành thói quen. Cần thiết phải triển khai quyết liệt những biện pháp hạn chế xe cá nhân, song song phát triển giao thông công cộng để bảo vệ chính cuộc sống của người dân.
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Tháng 2/2019, đề án mới chính thức được Sở GTVT tái khởi động, trình Ủy ban MTTQVN TP.HCM, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cần nhanh chóng có biện pháp cụ thể hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải công cộng. Thế nhưng, lại một lần nữa, trước sức ép từ một bộ phận người dân, đề án chưa được trình lên, lãnh đạo Thành phố đã phải trấn an dư luận bằng khẳng định “TP.HCM không có chủ trương cấm xe máy”. Mục tiêu, lộ trình tiến tới phân vùng, cấm xe gắn máy tại một số khu vực trung tâm vào giai đoạn 2025 - 2030 của đề án hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM chắc chắn lại phải chỉnh sửa.
Đây không phải lần đầu tiên mà những biện pháp hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM được khơi ra rồi lại dừng. Trước đó, việc thu phí xe ô tô vào trung tâm Thành phố đã được Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) nghiên cứu lập đề án từ năm 2010.
Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng bị ngưng sau nhiều cuộc họp. Đến đầu năm 2017, UBND Thành phố cho phép Sở GTVT tái khởi động dự án, nhưng tại hội nghị phản biện vào cuối năm, đề án tiếp tục bị “dập tơi tả” vì lo ngại không hiệu quả, người dân phải chịu thêm gánh nặng về chi phí.