Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nói gì về đề án thu phí ô tô vào trung tâm?

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố đang ở bước đề xuất xin chấp thuận chủ trương để tiếp tục nghiên cứu, nếu triển khai thì cũng phải đợi đến năm 2021. 
Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, năm 2021 mới có thể thu phí ô tô vào trung tâm (ảnh: Đình Thảo). Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, năm 2021 mới có thể thu phí ô tô vào trung tâm (ảnh: Đình Thảo).

Ngày 31/7, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin về đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố mà dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Theo ông Lâm, hiện đề án chỉ mới ở bước đề xuất xin chủ trương nghiên cứu. Sau khi thành phố đồng ý bố trí vốn thì mới lập nghiên cứu khả thi để xác định có làm được hay không, rồi mới trình HĐND TP lấy ý kiến.

“Khi có được chủ trương nghiên cứu, đơn vị tư vấn sẽ tính toán lại các nội dụng như: thu phí bao nhiêu? Thu phí vào giờ thấp điểm hay cao điểm? Mức phí thay đổi như thế nào? Hiện nay một số thông tin cứ tưởng chúng ta đang triển khai đề án. Vấn đề được đẩy lên cao trào và định hướng dư luận theo hướng sắp làm thì không nên”, ông Lâm chia sẻ.

Theo người đứng đầu ngành giao thông thành phố, ùn tắc không chỉ xảy ra ở TPHCM mà còn xảy ra tại 463 thành phố của 53 quốc gia. Ở châu Á có 20 thành phố kẹt xe trầm trọng, trong đó có Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và họ cũng đang tìm giải pháp.

Ông Lâm cho rằng rất khó để trả lời câu hỏi “bao giờ hết kẹt xe ở TP.HCM?”. Một giải pháp đơn lẻ như thu phí ô tô vào nội đô thì không giải quyết được vấn đề mà phải kết hợp nhiều giải pháp như phát triển hạ tầng, tổ chức lại không gian đô thị, phát triển giao thông công cộng và cả giải pháp hỗ trợ “đánh vào” nhu cầu sử dụng xe cá nhân.

Giám đốc Sở GTVT TP cho biết theo tính toán, ô tô chiếm dụng mặt đường nhiều và khả năng lưu thông kém nhất. Nếu 10% người dân sử dụng ô tô chuyển sang giao thông công cộng thì đề án thành công, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Theo Sở GTVT TP.HCM, trước đây đã có một doanh nghiệp đề xuất “đề án thu phí ô tô vào trung tâm” và được UBND TP chấp thuận năm 2010. Sau đó, doanh nghiệp được giao nghiên cứu tính khả thi của dự án, trình thành phố xem xét.

Đến tháng 3/2012, UBND TP nghe báo cáo chi tiết đề án. Đóng góp ý kiến, nhiều sở ngành không đồng ý vì cho rằng không có hiệu quả kinh tế xã hội và làm giá cả hàng hóa tăng cao, gây ùn tắc ở các cổng thu phí… Vì thế, UBND TP tiếp tục giao doanh nghiệp hoàn thiện đề án để lấy ý kiến người dân và phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học.

Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT TP làm việc với doanh nghiệp để bổ sung, hoàn chỉnh đề án để trình lại. Cuối năm 2017, Ủy ban MTTQVN TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện với sự tham gia của nhiều chuyên gia và sở ngành liên quan.

Đến năm 2019, trên cơ sở lấy ý kiến Hội đồng tư vấn giao thông đô thị và tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, Sở GTVT TP đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách làm 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện, đề án đang được các đơn vị liên quan xem xét, trình UBND TP. Nếu được các cấp thẩm quyền phê duyệt thì đề án mới triển khai các bước tiếp theo như: lập thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; triển khai công tác đầu thầu; tiến hành thi công lắp đặt thiết bị và đưa vào vận hành.

Dự kiến đến năm 2021, một số dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2, tuyến metro số 1… đi vào hoạt động, cùng với hệ thống giao thông công cộng phát triển thì mới có thể triển khai đề án thu phí ô tô vào trung tâm.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục