Đứng tên thay người khác trên hợp đồng là vi phạm pháp luật
Người Việt Nam, nhất là người dân vùng nông thôn thường coi trọng tình làng nghĩa xóm, chuyện nhờ vả, tương trợ nhau là truyền thống đáng quý từ ngàn xưa. Nhưng việc dùng uy tín cá nhân để làm thủ tục giúp người khác vay tiền làm điều bất chính thì sẽ rước họa vào thân.
Vụ án T.K.L. ngụ ở Phú Yên bị khởi tố trách nhiệm hình sự vì hành vi lừa gạt người khác đứng tên vay tiền tại công ty tài chính mua ba chiếc xe máy dưới hình thức trả góp rồi đem bán, chiếm đoạt số tiền 62 triệu đồng. Đáng lưu ý nhất là những người mà T.K.L. nhờ đứng tên đều có quan hệ thân thích, hàng xóm với y và đến khi bị đòi nợ họ vẫn không hay biết mình đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo này và phải gánh trên vai khoản nợ hàng chục triệu đồng, trong khi gia cảnh đều rất khó khăn.
Anh Nguyễn Đức Minh, giám sát thu hồi nợ pháp lý của FE Credit chia sẻ: “Công an cũng vừa xử lý một đường dây buôn lậu xe máy tại Hậu Giang, trong đó có xảy ra trường hợp một số đối tượng lợi dụng những người dân thiếu hiểu biết hoặc vì lòng tham nhất thời, đưa họ một khoản tiền nhỏ vài triệu đồng để đứng tên đăng ký mua xe máy trả góp, sau đó mang bán qua biên giới. Những nạn nhân này đều thuộc những hộ nghèo, không có tài sản nên rất khó khăn cho công ty trong việc thu hồi nợ.”
Nhu cầu vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay là cực kỳ lớn. Sự bùng nổ của các công ty tài chính trong năm vừa qua đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao mức sống của người dân lao động.
Tuy nhiên, đã đến lúc, người tiêu dùng cần hiểu mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nghĩa vụ trả nợ, để không vì lợi ích nhất thời mà phải nặng gánh nợ nần. Đối với những người đã hiểu biết rõ nhưng vẫn cấu kết với kẻ lừa đảo, vi phạm điều 139 Luật Hình sự, sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với cơ quan pháp luật.
Cần hoàn thiện quy định của luật pháp đối với người đi vay tín chấp
Anh Lê Hiền Thảo, Trưởng phòng thu hồi nợ pháp lý của FE Credit cho biết: “Từ trước tới nay chuyện lừa đảo, nhờ người khác đứng tên để vay tiêu dùng khiến cho người ký hợp đồng điêu đứng đã xảy ra với hầu hết các công ty tài chính. Nhưng do hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, còn nhập nhằng giữa luật dân sự và hình sự, chưa xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nên nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi”.
Cũng theo ông Thảo, nếu vụ việc này tiếp diễn trên quy mô lớn, các công ty tài chính có nguy cơ bị sụp đổ vì không thu hồi được nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính.
“Tôi hy vọng trong xu thế phát triển tín dụng, cơ quan pháp luật sẽ có cơ sở để hình sự hóa, bổ sung sửa đổi pháp luật, đơn giản hóa hệ thống tố tụng và có những biện pháp xử lý rõ ràng đối với các hành vi vi phạm”, ông Thảo nói.
Bộ luật Dân sự 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 24/11 có quy định về việc áp trần lãi suất cho vay là một trong những động thái để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, các công ty, tổ chức tín dụng hoạt động chân chính sẽ tự cạnh tranh lẫn nhau để đưa ra mức lãi suất tốt nhất cho khách hàng, còn việc công dân không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, cố tình không tôn trọng luật pháp sẽ gây nên nhiều hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Vì thế, theo ông Thảo, tính minh bạch của cả bên cho vay và người đi vay mới là vấn đề cần được quan tâm chú trọng nhất đối với thị trường này.