Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO đã chia sẻ quan điểm về loại hình tín dụng này với ĐTCK.
Quan điểm của ông về loại hình vay tiêu dùng tín chấp như thế nào, thưa ông?
Đây là một sản phẩm tín dụng cần thiết cho cả khách hàng và ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Đón nhận thông tin về loại hình dịch vụ này, khách hàng cảm nhận được sự hấp dẫn của những món vay mà các tổ chức tín dụng (TCTD) chào mời.
Mặc dù vậy, không ít khách hàng có tâm lý e dè do thị trường đang nhiễu loạn thông tin về loại hình này và điều này cũng hợp lý, nếu xét từ phía khách hàng. Chục năm về trước, việc ngân hàng chủ động tìm đến khách hàng để xin cấp tín dụng, nhiều người nghĩ rằng, chắc chỉ có thể tìm thấy ở những nước phát triển.
Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi, thậm chí cách mà các TCTD tiếp cận khách hàng còn khiến các “thượng đế” vô cùng bỡ ngỡ. Nếu như vài năm trước, không mấy ai nghĩ đến việc vay tiền ngân hàng để mua sắm vật dụng cá nhân, vật gia dụng, hay vay một khoản vốn nhỏ để bắt đầu công việc kinh doanh, thì nay người dân có cơ hội được tìm hiểu kiểu vay này một cách trực tiếp, chứ không theo kiểu truyền miệng.
Từ việc thủ tục đơn giản ra sao, giải ngân nhanh chóng thế nào, đến việc nghe trực tiếp nhân viên tư vấn khiến cho khách hàng thấy gần gũi hơn với ngân hàng, mỗi khi họ có nhu cầu vay để mua sắm hoặc kinh doanh nhỏ lẻ.
Trong con mắt nhiều khách hàng, ngân hàng giờ không còn cao vời vợi nữa, mà cũng “tầm tầm” như những khoản vay tiêu dùng thế chấp đang mời chào.
Luật sư Trần Minh Hải
Tiện ích của dịch vụ này là gì, theo ông?
Đối với người đi vay thì tiện ích của dịch vụ này khá rõ ràng, thủ tục, thời gian và điều kiện tài sản bảo đảm được rút gọn. Có TCTD còn cam kết xét duyệt, giải ngân tiền vay chỉ trong 24h kể từ khi tiếp nhận hồ sơ. Hồ sơ có khi chỉ cần vài ba loại giấy tờ đơn giản, bản sao photocopy có đối chiếu bản gốc như CMND, bằng lái xe, bảng lương.
Theo đó, khoản vốn mà khách hàng cần có thể chỉ là vài chục đến vài trăm triệu với tính chất ngắn hạn và cấp thiết rõ nét. Nếu theo trình tự, điều kiện vay vốn thông thường, có thể khách hàng sẽ nản chí và đành bỏ mặc cơ hội cho nhu cầu trôi qua. Nhưng với sự linh hoạt, sẵn sàng của những khoản cho vay tiêu dùng, tiện ích dành cho khách hàng vay rất lớn.
Còn đối với TCTD, việc hạn chế hạn mức các khoản vay tiêu dùng ở mức thấp, cũng như tính toán mức lãi suất hợp lý trong điều kiện xét đến khả năng trả nợ, khả năng thu hồi và quay vòng vốn đã khiến cho tỷ lệ nợ xấu của loại hình tín dụng này không bao giờ được phép gây gián đoạn kinh doanh cho DN. Và khi thị trường đã thực sự đi vào khuôn khổ, khi người dân ý thức đầy đủ rủi ro cũng như tiện ích kèm theo của dịch vụ, thì việc kinh doanh của TCTD sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Đâu sẽ là rủi ro của loại hình vay tiêu dùng tín chấp?
Rủi ro đối với loại hình vay tiêu dùng tín chấp nên xét từ hai phía. Rủi ro với người đi vay là khi họ nhận thấy việc xét duyệt cho vay khá dễ dàng và để đánh đổi lấy thủ tục vay dễ dàng, điều kiện vay tín chấp, dịch vụ tiện ích, giải ngân nhanh chóng, thì mức lãi suất cao khách hàng phải chịu là nguyên lý công bằng.
Thông thường, khách hàng chỉ nhìn vào bề nổi của dịch vụ, mà không hình dung được cả một quá trình vận hành phía sau những khoản vay đó, vì vậy dễ dẫn đến tâm lý “vung tay quá trán”, không xét đến khả năng trả nợ của mình.
Do đó, phòng tránh rủi ro nhận thức, khách hàng nên có sự thận trọng tính toán về khả năng trả nợ, độ chấp nhận rủi ro trong phương án vay khi tiếp cận với những khoản vay tiêu dùng
Về phía các TCTD, rủi ro dễ thấy khi khoản vay tín chấp của khách hàng trở thành nợ xấu. Tuy nhiên, với giá trị các khoản vay thường cao nhất đến vài trăm triệu, tổng quy mô cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng tại ngân hàng thực sự không phải là con số chiếm tỷ trọng lớn.
Với tính chất xé lẻ các khoản vay, quy mô nhỏ, thực tế rủi ro tín dụng mất vốn đã được phân tán. Cộng thêm sự thu lãi tương đối cao, các rủi ro thất thoát luôn được bù đắp nhanh chóng.
Chính vì vậy, xét từ phía ngân hàng, kinh doanh tín dụng tiêu dùng thực sự ít rủi ro. Thậm chí, sản phẩm tín dụng này phản ánh đúng bản chất kinh doanh ngân hàng, vì “tín” mà cấp vốn cho khách hàng “dụng”, không xem trọng vấn đề tài sản bảo đảm.
Vậy điều gì còn cản trở vay tiêu dùng tín chấp phát triển?
Từ phía khách hàng và các TCTD, rủi ro trong loại hình cho vay tiêu dùng là chuyện hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Đây là một hướng phát triển cần khuyến khích của thị trường tín dụng. Tuy nhiên, khung pháp lý lại chính là sự cản trở động lực phát triển của loại hình này. Xét về pháp luật, tín dụng tiêu dùng nằm trong khuôn khổ nghiệp vụ cho vay của ngành ngân hàng.
Do vậy, cũng giống như tín dụng DN, tín dụng đầu tư…, tín dụng tiêu dùng cũng chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về cho vay tại Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế 1627 của Ngân hàng Nhà nước...
Nằm trong khuôn khổ này, các tỷ lệ, giới hạn cho vay, điều kiện, thủ tục vay sẽ bị giới hạn bởi những quy định liên quan. Vậy là, nhìn sơ bộ cũng có thể thấy ngay một vài vấn đề nan giải của sự tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Trước hết là về câu chuyện lãi suất. Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng quy định mức lãi suất là do thỏa thuận giữa các bên, nhưng khi đã lỡ “vung tay quá trán”, hoặc kinh doanh thua lỗ, thì người đi vay lại viện đến Bộ luật Dân sự với quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản để kiện các TCTD.
Trong khi đó, như đã đề cập, với đặc thù của việc kinh doanh tín dụng tiêu dùng, để ngân hàng có thể tồn tại và thu được một phần lợi nhuận, mức lãi suất không thể nằm trong giới hạn này.
Tiếp đó là câu chuyện về dự phòng rủi ro. Không như những khoản cho vay hạn mức, cho vay trung, dài hạn thông thường, ngân hàng luôn quản trị rủi ro tín dụng chặt chẽ hơn nhiều đối với những khoản vay tiêu dùng. Với yếu tố món vay có điều kiện, thủ tục dễ dàng, không có tài sản bảo đảm, nếu phát sinh tình trạng quá hạn, nợ xấu là khả năng hiện hữu.
Vì vậy, chỉ cần khách hàng quá hạn vài ngày, có khi ngân hàng đã tiến hành trích đủ dự phòng 100% dư nợ từ doanh thu trước thuế. Sau đó, để sớm quay vòng vốn, ngân hàng cần sử dụng ngay dự phòng đã trích lập để xử lý khoản nợ thất thu.
Theo quy định của pháp luật, thì ngân hàng chỉ được sử dụng dự phòng sau khi khoản nợ chính thức xếp vào nhóm 5. Như vậy, nếu thông thường thì phải sau 360 ngày kể từ ngày khoản nợ quá hạn, ngân hàng mới được phép sử dụng dự phòng đã trích lập để xử lý rủi ro.
Còn nhiều vấn đề khác mà trọng tâm rủi ro chính là Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống pháp luật chưa có lời khẳng định mang tính pháp quy cho sự phát triển của loại hình vay tiêu dùng tín chấp hiện nay.
Liệu có một ngày các ngân hàng và các TCTD bất ngờ phải dừng thể loại cho vay này, sau khi đã có một chặng đường dài đầu tư về công nghệ, sức người, tiền bạc?
Pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật về ngân hàng nói riêng luôn cần biến đổi theo thời gian để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của nền kinh tế.
Với các TCTD, rủi ro lớn nhất của dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp không phải là những vấn đề thuộc về sản phẩm này, mà chính là khung pháp lý để hoạt động kinh doanh này có thể tồn tại và phát triển xứng tầm với vai trò của nó trong xã hội.