Trên thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với vay sản xuất - kinh doanh… Với những khoản vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất áp dụng sẽ cao hơn nhiều. Nhân viên tư vấn tín dụng của một ngân hàng TMCP tại TP. HCM cho biết, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đang được áp dụng 14 - 15%/năm.
Song đó là mức lãi suất áp dụng cho khách hàng vay vốn có thế chấp, còn với tín dụng tiêu dùng tín chấp, lãi suất cho vay dao động 30 - 40%/năm (khoảng 3 - 4%/tháng). Trường hợp ngân hàng chào mời lãi suất tín dụng tiêu dùng thế chấp hoặc tín chấp ở mức thấp từ 10 - 12%/năm, khách hàng phải thận trọng và xem xét kỹ, vì nếu áp dụng mức lãi suất này sẽ được tính lãi suất cho vay trên tổng dư nợ ban đầu.
Chẳng hạn, tại VPBank, lãi suất cho vay tiêu dùng được chào ở mức 0,83%/tháng (tương đương 10%/năm), nhưng được ngân hàng này cho biết, đây là lãi suất phẳng, hay nói cách khác là lãi suất tính trên dư nợ ban đầu. Như vậy, nếu vay khoảng 50 triệu đồng trong vòng 1 năm, khách hàng phải trả mức lãi suất tính trên khoản tín dụng đầu tiên kể từ khi ngân hàng giải ngân vốn, dù khách hàng có trả góp hàng tháng. Mặt khác, mức lãi suất cho vay trên cũng không cố định mà thay đổi định kỳ.
Mặc dù lãi suất cho vay cao, nhưng hiện ngân hàng cũng hạn chế đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bởi rủi ro từ tín dụng tiêu dùng cao, trong khi các khoản vay thường nhỏ lẻ. Vì thế, để khuyến khích khách hàng tiêu dùng, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, với hạn mức lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức lương khách hàng. Qua đó, ngân hàng vừa phát triển được dịch vụ thẻ, vừa kích thích được tín dụng tiêu dùng qua thẻ lãi suất cao.
Được biết, lãi suất tiêu dùng qua thẻ tín dụng (tính lãi sau 45 ngày miễn lãi) của các NHTM hiện nay vào khoảng 35 - 40%/năm (đối với cả ngân hàng trong nước và nước ngoài), chưa bao gồm phí. Do đó, với chủ thẻ tín dụng, khi có nhu cầu mua sắm, chi tiêu và thanh toán qua thẻ, cần nắm kỹ thông tin, thông báo của ngân hàng để thanh toán đúng hạn, tránh chậm trễ phải chịu mức lãi suất cao. Đặc biệt, khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng nên hạn chế rút tiền mặt qua thẻ, bởi mức phí rút tiền qua thẻ tín dụng lên tới 80.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, lãi suất tiêu dùng qua thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành chưa phải là mức cao nhất, vì so với các công ty tài chính đang đẩy mạnh việc triển khai tín dụng tiêu dùng hiện nay thì lãi suất áp dụng còn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Các lời mời được đưa ra từ công ty tài chính vay tiêu dùng rất dễ dãi, nhưng lãi suất thường lên đến 40 - 60%/năm. Nhiều khách hàng chỉ đến khi bắt đầu kỳ trả nợ đầu tiên cho các công ty tài chính mới té ngửa bởi lãi suất cho vay cao ngất ngưởng.
“Người vay cần thận trọng khi chọn sản phẩm vay tiêu dùng và đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi đặt bút ký, nhất là với những lời mời cho vay tiêu dùng dưới hình thức tín chấp, không cần chứng minh thu nhập cũng như bảo lãnh của đơn vị chủ quản”, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị và Kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM nói.
Theo một cán bộ trong lĩnh vực tiền tệ, khi cho vay tiêu dùng, nếu không tính toán kỹ, cả bên cho vay và bên vay đều có thể gặp rủi ro. Với bên vay, lợi ích trước mắt là khách hàng dù không có hoặc không đủ tiền song vẫn có thể được sử dụng ngay một món hàng mình đang cần, nhưng rủi ro là mức lãi suất phải trả quá cao, thậm chí, nếu muốn hoàn trả khoản vay trước hạn, khách hàng sẽ phải chịu mức phí phạt (thường dao động từ 1 - 3% trên dư nợ còn lại). Còn đối với ngân hàng hay các công ty tài chính, hình thức này có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và có mức lợi tức cao, tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát tốt rủi ro, nợ xấu có thể sẽ tăng.