Theo đại diện Bộ Y tế, hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm được rà soát, bổ sung, đáp ứng với yêu cầu quản lý trong nước và hội nhập quốc tế.
Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid vẫn còn có nguy cơ, các thị trường nhập khẩu tăng các rào cản kỹ thuật (bên cạnh rào cản an toàn thực phẩm đã bổ sung thêm rào cản chống dịch bệnh Covid...) dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng nhận định hiện vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc.
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Để Chỉ thị đi vào thực tiễn, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là: “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Mục đích của Tháng hành động là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm;
Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm;
Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm;
Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm;
Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, thời gian triển khai Tháng hành động An toàn thực phẩm 2023 là từ 15/4 đến 15/5/2023 trên phạm vi toàn quốc.
Về bảo đảm an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế, trong tháng 12/2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11-2022).
Như vậy, tính chung trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong.
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2022, thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), 1 trường hợp hôn mê co giật do dùng cà phê Hoàng Gia, chất hỗ trợ giảm cân và 6 trường hợp sự cố về an toàn thực phẩm với 29 người mắc, đã được điều tra và xử lý kịp thời.
Về công tác thanh, kiểm tra chất lượng thực phẩm của Hà Nội thời gian qua, báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong 10 tháng năm 2022, cơ sở này đã tiến hành thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 1.117 cơ sở; trong đó có 1.059 cơ sở đạt, 32 cơ sở không đạt và 26 cơ sở chờ hoàn thiện.
Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 cơ sở với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, có 46 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 58 cơ sở bị đình chỉ.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đã nhắc nhở tại chỗ những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, như: Đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay…
Đối với công tác xét nghiệm an toàn thực phẩm, 9 tháng năm 2022, qua xét nghiệm tại labo 377 mẫu (gồm: Thịt, sản phẩm thịt, trái cây, rau, củ, nước đá dùng liền, phụ gia thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng…) phát hiện 1 mẫu sản phẩm thịt phát hiện chỉ tiêu vi sinh vật tổng số vi sinh vật hiếu khí, 1 mẫu rau phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng Haptachlor, Leucomalachite green.
Ngoài ra, xét nghiệm nhanh dụng cụ chế biến thực phẩm, tinh bột, nước sôi; thực phẩm, dấm, phẩm màu, hàn the, foocmon đạt 95.556/104.776 mẫu (tỷ lệ đạt 91,2%).