Nhiều vi phạm
Quận Bắc Từ Liêm là địa bàn có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống khá sầm uất của Hà Nội, với tổng số gần 4.000 cơ sở. Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022”, lực lượng chức năng của quận đã tiến hành xét nghiệm nhanh đối với 856 mẫu thực phẩm (tinh bột, methanol, formaldehyt, hàn the, dấm vô cơ…) và ghi nhận 81 mẫu không đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo quy định.
Tại nhà hàng Thu Hằng 2 (phường Phúc Diễn), cơ quan chức năng ghi nhận một loạt vi phạm nghiêm trọng: nguyên liệu sử dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tủ bảo quản thực phẩm để lẫn lộn nguyên liệu tươi sống và thức ăn đã nấu chín. Đáng chú ý, dù kinh doanh mặt hàng chính là bia, nhưng nhà hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của bia.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, để bảo vệ sức khỏe bản thân, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tình trạng mẫu thực phẩm không an toàn ít hơn, nhưng vẫn đáng lo ngại. Trong tổng số 526 mẫu xét nghiệm nhanh được thực hiện, cơ quan chức năng của huyện này xác định có 21 mẫu chưa bảo đảm các chỉ tiêu phân tích về an toàn thực phẩm.
Kết quả phân tích mẫu tại một số quận, huyện nêu trên cho thấy, tình trạng mẫu thực phẩm không bảo đảm các chỉ tiêu an toàn còn khá phổ biến. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng thực phẩm, bởi thực tế, số lượng các mặt hàng tiêu thụ hàng ngày còn lớn hơn rất nhiều.
Tại Nhà hàng hải sản Chân Mây (Khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên), Đoàn kiểm tra số 1 của TP. Hà Nội đã phát hiện một số loại gia vị chế biến món ăn được nhà hàng sử dụng không có tem nhãn. Nhà hàng cũng chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của nhà cung cấp hải sản; bản cam kết của nhà cung cấp đồ khô; bản công bố của đá viên.
Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh mẫu dầu ăn kiểm tra độ ôi khét, đoàn kiểm tra còn phát hiện có hiện tượng tái chế dầu ăn. Đặc biệt, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Tương tự, tại quận Cầu Giấy, kiểm tra Nhà hàng Libera (49 - Trung Hòa), lực lượng chức năng nhận thấy, một số sản phẩm nguyên liệu chế biến đóng hộp chỉ ghi ngày sản xuất nhưng không ghi hạn sử dụng, xét nghiệm nhanh bát đĩa chưa đạt yêu cầu… Còn tại Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Vương (30 - Nguyễn Khang), qua kiểm tra cho thấy, khu vực bán hàng, tủ bảo quản chưa có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Toàn bộ phần kho chưa được vệ sinh thường xuyên, chưa có giá kệ đầy đủ, sắp xếp chưa đảm bảo về mặt chất lượng.
Tăng cường xử phạt
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong quý I/2022, cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra 14.755 cơ sở dịch vụ ăn uống; trong đó có 12.556 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm hơn 85%), còn lại gần 2.200 cơ sở có sai phạm bị nhắc nhở, xử phạt với số tiền gần 397 triệu đồng. Đối với các mẫu thực phẩm không an toàn, lực lượng chức năng cấp quận, huyện, thị xã đều đã tiến hành thu hồi, yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại.
Ông Giang Sơn Hà, Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết, đối với các mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhanh, hiện chưa có căn cứ để xử phạt vi phạm khi phát hiện chỉ tiêu vượt ngưỡng an toàn, cơ quan chức năng địa phương chủ yếu chỉ dừng ở việc nhắc nhở.
Để có cơ sở đưa ra hình thức xử lý đối với mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhất là các sản phẩm tươi sống, cơ quan chức năng phải lấy mẫu gửi đi phân tích định lượng tại phòng thí nghiệm. Quá trình này thường mất 2 - 4 ngày, dẫn đến việc xử lý các vi phạm còn chậm trễ.
Theo bà Nguyễn Thị Tô Hà, Phó trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện vẫn còn tồn tại những cơ sở bày bán hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ, bao bì, không đảm bảo điều kiện bảo quản thực phẩm, không có dụng cụ bảo quản riêng thực phẩm sống, chín...
Thời gian tới, quận Cầu Giấy tiếp tục xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm về an toàn thực phẩm. Quận cũng tăng cường rà soát, thống kê, cấp phép hoạt động kinh doanh rượu; hạn chế tối đa việc kinh doanh rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ở địa bàn quận Ba Đình, đại diện Phòng Y tế quận cho biết, công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, dẫn đến hiểu biết về pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm và ý thức chấp hành các quy định của cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Thời gian tới, quận sẽ triển khai hệ thống cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, tăng cường công tác quản lý, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường...
Cho rằng, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đã có những kết quả nhất định, song ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội cho rằng, công tác xử phạt cần tiếp tục được tăng cường nhằm tạo sức răn đe. Cơ quan chức năng tuyến xã, phường, thị trấn cần quyết liệt hơn trong công tác phát hiện, xử phạt, tránh tâm lý ngại va chạm, buông lỏng trong quản lý, giám sát.