Báo cáo phát triển bền vững: Tốp đầu vững phong độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023, các doanh nghiệp đã cho thấy nhiều nét mới trong việc áp dụng các thông lệ tốt trong lập báo cáo phát triển bền vững. Các doanh nghiệp có truyền thống làm báo cáo tốt trong các năm trước đây, sau một năm chùng lại thì năm nay đã trở lại vị thế vốn có của mình.
Vinamilk là một trong hai doanh nghiệp đã có cam kết cụ thể về lộ trình Net Zero trong Báo cáo Phát triển bền vững 2023 Vinamilk là một trong hai doanh nghiệp đã có cam kết cụ thể về lộ trình Net Zero trong Báo cáo Phát triển bền vững 2023

Bối cảnh mới, đòi hỏi mới

Năm 2023, trên bình diện thế giới, có nhiều quy định mới liên quan đến việc công bố thông tin về phát triển bền vững. Tháng 6/2023, Hội đồng Chuẩn mực Quốc tế về bền vững (ISSB) đã công bố hai chuẩn mực đầu tiên về công bố thông tin phát triển bền vững là IFRS S1 và IFRS S2. Hai chuẩn mực này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Chỉ một tháng sau, vào tháng 7/2023, Ủy ban châu Âu đã phê chuẩn Các chuẩn mực Báo cáo Phát triển bền vững châu Âu (ESRS). Các chuẩn mực này được ban hành để cung cấp một khung hướng dẫn các doanh nghiệp châu Âu và một số chi nhánh của các doanh nghiệp ngoài châu Âu nhưng hoạt động tại châu Âu thực hiện công bố thông tin về phát triển bền vững. ESRS cũng chính thức đưa ra khái niệm đánh giá trọng yếu kép (double materiality assessment), yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá các tác động về cả lĩnh vực phát triển bền vững (biến đổi khí hậu, năng lượng, người lao động…) và tài chính.

Kỳ báo cáo kết thúc tại ngày 31/12/2022, cũng là kỳ báo cáo thứ hai mà các doanh nghiệp áp dụng Thông tư 96/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 16/11/2020. Thông tư này yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố một số thông tin về môi trường và xã hội trong báo cáo thường niên của mình, trong đó có chỉ số về phát thải khí nhà kính.

Trong năm 2022 và 2023, chúng ta cũng chứng kiến sức ép gia tăng từ các nhà đầu tư có tổ chức yêu cầu các doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư của họ phải thực hành ESG một cách nghiêm túc hơn.

Trong bối cảnh trên, Nhóm bình chọn báo cáo phát triển bền vững đã có một số cập nhật về tiêu chí để đảm bảo các xu thế lớn được cập nhật. Các thay đổi này chủ yếu ở việc điều chỉnh cách đánh giá đối với một số câu hỏi/tiêu chí cụ thể. Tổng về cấu trúc/trọng số các phần không thay đổi. Các thay đổi chính được thể hiện ở bốn khía cạnh:

Thứ nhất, tăng cường về chất lượng của công bố thông tin về phát thải khí nhà kính. Theo đó, các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận rộng rãi (ISO, GHG Protocol….) sẽ được đánh giá cao hơn. Các doanh nghiệp chỉ công bố kết quả quan trắc tại một thời điểm, thay vì công bố tổng lượng phát thải khí nhà kính sẽ được tính điểm thấp. Các doanh nghiệp có nỗ lực công bố thông tin về Phạm vi 3 dù chỉ là một phần sẽ được điểm thưởng.

Thứ hai, để đảm bảo Cuộc bình chọn phù hợp hơn với các nhà đầu tư, Hội đồng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp báo cáo nhiều thông tin mang tính định lượng. Các doanh nghiệp được điểm cao thường phải công bố các thông tin định lượng tối thiểu là 50% theo hướng dẫn chung của GRI và các hướng dẫn chuyên ngành. Nhóm bình chọn cũng đánh giá cao các doanh nghiệp có sử dụng nhiều hơn một tiêu chuẩn công bố thông tin, đặc biệt là các tiêu chuẩn/khung công bố thông tin được các nhà đầu tư sử dụng nhiều như TCFD, ISSB…

Thứ ba, Hội đồng bình chọn cũng thắt chặt các đánh giá đối với các đảm bảo từ bên thứ ba được cung cấp. Theo đó, chất lượng của các đảm bảo được cung cấp sẽ được đánh giá theo các tiêu chí như tỷ lệ % các chỉ số được đảm bảo, phạm vi đảm bảo, tiêu chuẩn thực hiện đảm bảo…

Thứ tư, áp dụng sớm Tiêu chuẩn GRI toàn cầu (GRI Universal Standards). Các doanh nghiệp áp dụng sớm sẽ được cộng điểm ưu tiên.

Nhiều đột phá

Về tổng quan, số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt năm nay lọt vào vòng chung khảo đã tăng nhẹ từ 19 (trong năm 2022) lên 21 báo cáo (tăng hơn 10%), tiếp nối đà tăng các năm trước.

Trong kỳ báo cáo lần này, các doanh nghiệp đã mang đến nhiều điểm mới, mang tính đột phá. Cụ thể, lần đầu tiên một công ty Việt Nam lọt vào vòng chung khảo chấm báo cáo phát triển bền vững đã thực hiện đánh giá ESG theo các tiêu chuẩn quốc tế của Dow Jones. Tập đoàn Bảo Việt đã đăng ký, cung cấp thông tin và được xếp hạng ESG theo cùng một bộ tiêu chí với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận đối với một công ty ở Việt Nam.

Ngoài GRI, đã bắt đầu có các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng thêm một số khung công bố thông tin khác như CDP.

Công bố thông tin phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn đã là một nỗ lực lớn của các doanh nghiệp. Bắt đầu từ mùa báo cáo năm trước, đã có các công ty sử dụng dịch vụ đảm bảo độc lập về chỉ số này. Trong năm nay, đã có một bước tiến lớn hơn khi lần đầu tiên một công ty Việt Nam (Gemadept) lọt vào vòng chung khảo có sử dụng dịch vụ kiểm định phát thải khí nhà kính bởi một đơn vị được xác thực bởi ISO 14064.

Cũng liên quan đến phát thải khí nhà kính, hưởng ứng cam kết của Chính phủ về mục tiêu Net Zero, trong năm nay, một số công ty bắt đầu có cam kết mục tiêu Net Zero với các mốc thời gian cụ thể như Vinamilk, Gemadept.

Ở góc độ quản trị ESG, số lượng công ty áp dụng mô hình ủy ban ESG thuộc hội đồng quản trị ngày càng nhiều hơn. Điều này phản ánh thực tế rằng các vấn đề về ESG ngày càng được quan tâm hơn bởi hội đồng quản trị.

Số lượng các đơn vị công bố thông tin về đánh giá nhà cung cấp tăng lên so với các năm trước, đặc biệt có đơn vị công bố bộ chỉ số đánh giá nhà cung cấp về các lĩnh vực môi trường và xã hội. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã có nhận biết tốt hơn về tác động môi trường và xã hội xuyên suốt chuỗi cung ứng.

Một số điểm cần cải thiện

Mặc dù có nhiều thay đổi đáng kể so với các năm trước, trong kỳ báo cáo năm nay vẫn có các điểm cần cải thiện.

Thứ nhất, các mục tiêu về phát triển đặt ra thường khá chung chung, thay vì các mục tiêu định lượng và có các mốc thời gian cụ thể.

Thứ hai, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp báo cáo các chỉ số mang tính định tính, thay vì định lượng theo như thông lệ tốt.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp có công bố thông tin cả định tính và định lượng, nhưng lại thiếu phân tích dữ liệu để làm rõ bản chất của số liệu cũng như lý giải cho việc tăng/giảm giữa các kỳ báo cáo.

Thứ tư, số lượng công ty có sử dụng dịch vụ bảo đảm của bên thứ ba tăng lên, nhưng đa số phạm vi bảo đảm còn rất hạn chế về số lượng các chỉ số được đảm bảo, tiêu chuẩn mà dịch vụ đảm bảo được thực hiện.

Trong kỳ báo cáo năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều hưởng ứng yêu cầu báo cáo phát thải khí nhà kính bằng cách đề cập đến tầm quan trọng cũng như các mục tiêu định tính đối với việc giảm phát thải. Tuy nhiên, thực tế thì vẫn có nhiều vấn đề cần lưu ý:

Mặc dù Thông tư 96/2020 yêu cầu công bố tổng lượng phát thải khí nhà kính nhưng chỉ có một số ít có kiểm kê và công bố thông tin này theo các tiêu chuẩn được chấp nhận. Một số doanh nghiệp chỉ công bố kết quả quan trắc tại một thời điểm. Rất nhiều doanh nghiệp thậm chí không công bố thông tin này.

Về phạm vi, tất cả các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo không công bố phát thải khí nhà kính gián tiếp theo phạm vi 3, mà chỉ công bố theo phạm vi 1&2. Điều này phần nào được lý giải bởi sự phức tạp của việc đo lường và công bố thông tin phát thải khí nhà kính theo phạm vi 3.

Như đề cập ở trên, chỉ có 2 doanh nghiệp công bố mục tiêu và lộ trình cụ thể hướng đến mục tiêu Net Zero. Đa số các doanh nghiệp không công bố mục tiêu cụ thể.

Mặc dù còn nhiều điểm cần cải thiện nhưng với những thay đổi tích cực trong công bố thông tin phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong mùa báo cáo năm 2023 cũng như các quy định quốc tế ngày càng chặt chẽ hơn cùng với sức ép ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư tổ chức, hy vọng rằng, chất lượng báo cáo phát triển bền vững trong những năm tới sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng tiệm cận với các thông lệ tốt.

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc CGS Việt Nam, Trưởng nhóm Bình chọn Báo cáo Phát triển bền vững

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục