Số liệu thống kê được trình bày trong báo cáo được phân tích dựa trên hồ sơ ứng tuyển tại VietnamWorks và khảo sát cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên.
Cung - cầu lao động 6 tháng đầu năm
Theo thống kê, các công ty có qui mô càng lớn có tỷ lệ thiếu hụt nhân sự nhiều hơn.
Cụ thể, 87% công ty có quy mô 501 – 1.000 nhân viên và 1001 – 5.000 nhân viên cho biết họ đang thiếu hụt nhân sự, 80% công ty qui mô trên 5.000 người cho biết đang thiếu hụt nhân sự. Với tình trạng trên, dự báo trong thời gian tới người tìm việc sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty qui mô lớn.
Trong đó, các mảng liên quan đến dịch vụ chuyên nghiệp tăng mạnh về nguồn cung lao động trong 1 năm trở lại đây (từ nửa đầu năm 2018 – nửa đầu năm 2019), theo đó Y tế/Chăm sóc sức khỏe tăng 64%, Tư vấn tăng 51% và Quảng cáo/Khuyến mãi/Đối ngoại tăng 29%. Ngành ngân hàng cũng tăng trưởng mạnh về nguồn cung với tỷ lệ tăng trưởng là 65%.
Cũng theo ghi nhận của VietnamWorks, các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, vẫn tăng trưởng bền vững về nguồn cung lao động nhưng không có dấu hiệu vượt trội; trong khi đó, các khu vực kinh tế mới lại tăng trưởng đột biến về nguồn cung lao động. Điều này thể hiện xu hướng dịch chuyển và phân bổ lao động từ các thành phố lớn sang các khu kinh tế lân cận để đáp ứng xu hướng đầu tư vào các vùng đất này nhiều hơn.
Theo đó, nguồn cung lao động cuả Biên Hòa tăng 68%, Bà Rịa – Vũng tàu tăng 54%, Đồng Nai tăng 44%.
Dự báo những tháng cuối năm 2019
Mặt khác, báo cáo cũng chỉ ra việc xuất hiện dấu hiệu dư thừa nhân lực ở một số ngành nghề như Hành chính/Thư ký. Hiện đang đứng ở vị trí thứ 1 về nguồn cung lao động dồi dào nhất, nhưng ngành nghề này không thuộc trong top 10 ngành nghề dự báo có nhu cầu tuyển dụng nửa cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, Ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất về nguồn cung, ứng viên nhóm này có ý định tìm việc nhiều nhất vào nửa cuối năm, nhưng lại không thuộc top 10 ngành nghề dự báo có nhu cầu tuyển dụng.
Về khả năng thiếu hụt lao động, đáng kể đến các ngành nghề như: Kỹ sư; Bảo trì/Sửa chữa; Bán hàng kỹ thuật; Cơ khí. Các ngành nghề này hiện đang thuộc top 10 các ngành nghề dự báo có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong nửa cuối năm 2019, nhưng lại không thuộc top 20 về tăng trưởng nguồn cung lao động. Đáng nói, Cơ khí hiện đang thuộc trong top 10 lĩnh vực kinh doanh thiếu hụt về nhân sự.
Về xu hướng tìm việc, báo cáo của Vietnam Works cho biết, các ứng viên thuộc các ngành nghề sau khả năng sẽ khó tìm việc và chuyển việc vào nửa cuối năm 2019 lần lượt là: Ngân hàng; Giáo dục/Đào tạo; Dịch vụ khách hàng; Hành chính/Thư ký; Xây dựng; QA/QC (kiểm định chất lượng).
Nguyên nhân do các ngành nghề trên tuy thuộc trong top 10 các ngành nghề có ứng viên muốn tìm việc nhiều nhất, nhưng lại không thuộc top 10 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất.
Trái lại, các ngành nghề dự đoán sẽ dễ tìm việc và chuyển việc do đều thuộc top 10 ngành nghề dự báo nhu cầu tuyển dụng cao nhất và đồng thời thuộc top 10 ngành nghề dự báo có nhu cầu chuyển việc nhiều nhất, lần lượt là: Điện/Điện tử; Kế toán; Bán hàng; Kỹ sư.
Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo của VietnamWorks, đó là không phải Gen Y (sinh năm 1981 – 1995) hay Gen Z (sinh năm 1996 trở về sau), mà thế hệ Gen X (1965-1979) mới là nhóm có ý định chuyển việc nhiều nhất.
Cụ thể, có 83% trong nhóm thế hệ Gen X cho biết họ sẽ tìm kiếm công việc mới, trong khi đó, Gen Y là 74% và Gen Z là 71%. Phân tích kỹ hơn về nhóm ứng viên thế hệ Gen X, có 54% đang làm việc tại công ty từ 5 năm trở lên, 82% đang thuộc cấp bậc từ Quản lý trở lên.
Ba lý do chính khiến thế hệ Gen X muốn thay đổi công việc nhiều nhất là: Mong muốn có mức lương thưởng cao hơn (33%); Mong muốn được hưởng chính sách phúc lợi tốt hơn (29%); Mong muốn tìm nơi khác phù hợp hơn về văn hóa và giá trị công ty (25%).
Giải pháp giúp giảm thiểu thiếu hụt và giữ chân nhân tài
Khi được hỏi về giải pháp giúp giảm thiểu thiếu hụt, các nhà tuyển dụng thể hiện quan điểm sử dụng đa dạng các kênh tuyển dụng sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Theo đó, top 3 các ý kiến được lựa chọn nhiều nhất lần lượt là: Sử dụng trang tuyển dụng trực tuyến như VietnamWorks (49%); Sử dụng những kênh tuyển dụng trên mạng xã hội, qua email…(46%); Sử dụng kênh nội bộ kêu gọi nhân viên giới thiệu ứng viên (44%).
Khi được hỏi về top 5 các yếu tố giúp giữ chân nhân tài, nhà tuyển dụng và ứng viên có cùng 4/5 các quan điểm giống nhau là: Mức lương thưởng cạnh tranh; Có cơ hội thăng tiến và gắn bó lâu dài; Chế độ phúc lợi hấp dẫn; Được đào tạo và phát triển chuyên môn.
Tuy nhiên, vẫn xuất hiện khác biệt giữa nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng. Cụ thể, trong khi các ứng viên ưu tiên yếu tố “Môi trường làm việc chuyên nghiệp” ở vị trí quan trọng thứ hai, thì yếu tố này không nằm trong top 5 quan điểm của nhà tuyển dụng.
Ngược lại, yếu tố “Cấp trên trực tiếp giỏi và hỗ trợ” được nhà tuyển dụng bình chọn ở vị trí thứ 5, tuy nhiên yếu tố này không nằm trong bảng xếp hạng top 5 này của phía ứng viên.