Báo cáo của OPEC cho thấy không có sự cứu trợ nào đối với sự suy thoái của thị trường dầu mỏ trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển vọng thị trường dầu mỏ đầu tiên của OPEC cho năm 2023 cho thấy nguồn cung tiếp tục eo hẹp và OPEC cần sản xuất nhiều dầu thô hơn để đáp ứng nhu cầu mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên đều đã “cạn kiệt”.
Báo cáo của OPEC cho thấy không có sự cứu trợ nào đối với sự suy thoái của thị trường dầu mỏ trong năm 2023

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến ​​tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt quá mức tăng của nguồn cung thêm 1 triệu thùng/ngày trong năm tới. Để lấp đầy khoảng trống sản lượng này, OPEC sẽ cần phải tăng đáng kể sản lượng, nhưng các quốc gia thành viên cho đến thời điểm hiện tại vẫn không thể gia tăng nguồn cung do thiếu đầu tư vào sản xuất và vấn đề bất ổn chính trị.

Giá dầu thô đang giữ trên mốc 100 USD/thùng do các mỏ dầu và cơ sở lọc dầu trên thế giới không bắt kịp với nhu cầu nhiên liệu phục hồi sau đại dịch. Điều đó đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc giục các nhà sản xuất Trung Đông xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách tăng sản lượng. Tổng thống Joe Biden sẽ ghé thăm khu vực Trung Đông trong tuần này với kế hoạch dừng chân tại Ả Rập Xê Út, nhưng nhiều nhà phân tích kỳ vọng các nhà xuất khẩu vùng Vịnh sẽ phân bổ công suất sản xuất dự phòng còn lại của họ một cách thận trọng.

Theo RBC Capital Markets LLC, nếu Tổng thống Biden thuyết phục Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cung cấp thêm nguồn cung, thì động thái này có thể sẽ được chính thức hóa tại cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào ngày 3/8.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung kéo dài

Báo cáo của OPEC công bố hôm thứ Ba (12/7) cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ còn kéo dài.

Theo phân tích của OPEC, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng/ngày trong năm tới do sự tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi, trong khi nguồn cung bên ngoài OPEC sẽ tăng 1,7 triệu thùng/ngày. Nhiên liệu xăng và dầu diesel sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ.

Để cân bằng cung cầu, OPEC sẽ cần cung cấp trung bình 30,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Tức là nhiều hơn 1,38 triệu thùng/ngày so với OPEC đã cung cấp ra thị trường vào tháng 6.

OPEC đã khôi phục lại tất cả các sản lượng bị cắt giảm trong thời gian đại dịch, với đợt cuối cùng được lên kế hoạch vào tháng tới. Tuy nhiên, OPEC vẫn đang bơm quá thấp so với mục tiêu chung vì năng lực sản xuất của các quốc gia như Angola và Nigeria đã bị xói mòn do đầu tư không đủ và các vấn đề hoạt động. Trong khi đó, Libya đã phải hứng chịu sự sụp đổ trong sản xuất trong bối cảnh bất ổn chính trị.

Do sự thiếu hụt nguồn cung này, tồn kho nhiên liệu ở các nước công nghiệp phát triển đang giảm nhanh chóng còn 312 triệu thùng vào tháng 5, thấp hơn mức trung bình 5 năm.

Trong khi đó, đánh giá của OPEC về năm 2023 cũng phù hợp với quan điểm phổ biến trong ngành dầu khí, với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng dự đoán rằng nguồn cung sẽ tiếp tục bị căng thẳng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục