“Bâng khuâng vì không ai xin gặp mình" nếu đấu thầu qua mạng

(ĐTCK) “Lợi ích thì ai cũng rõ khi đấu thầu qua mạng tiết kiệm bình quân 10% giá trị gói thầu. Thế nhưng, nhiều người lại không muốn thực hiện bởi cảm thấy ‘bâng khuâng’ vì không ai xin gặp mình. Đây chính là cản trở lớn nhất khi triển khai thí điểm đấu thầu qua mạng thời gian qua”. Đó là đánh giá của ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị tổng kết đấu thầu qua mạng giai đoạn 2012 - 2013 tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
“Bâng khuâng vì không ai xin gặp mình" nếu đấu thầu qua mạng

Ông Nguyễn Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, giai đoạn thí điểm từ năm 2011 đến 2013, số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 20 lần. Cụ thể, trong hai năm 2012 - 2013, số lượng nhà thầu đăng ký tham gia sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử tại địa chỉ website: http://muasamcong.mpi.gov.vn tăng 650%, số lượng bên mời thầu tăng 460%.

Theo ông Sơn, lợi ích từ việc tiết kiệm nhờ đấu thầu điện tử là không nhỏ, vì giảm thiểu tối đa chi phí đi lại, in ấn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư không có cơ hội tiếp cận nhà thầu, nhà thầu cũng không có lý do gì để tiếp cận nhà đầu tư, bởi mọi phần việc đã do máy móc làm, sẽ giúp việc đấu thầu minh bạch hơn. Qua đó, lợi ích của đấu thầu điện tử cũng cao hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy, tổng số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng mới chỉ dừng lại ở con số 1.100, vẫn quá nhỏ nếu so với tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm của Việt Nam, vào khoảng 20 - 21 tỷ USD.

Lý do được ông Tăng chỉ ra là không ít đơn vị tổ chức thầu thường đưa ra nhiều lí do để trì hoãn việc đấu thầu qua mạng, vì đụng chạm đến quyền lợi và lợi ích của người tổ chức đấu thầu. Việc nhà thầu phải đến gặp, trao đổi với đơn vị tổ chức dễ dẫn đến tiêu cực.

“Phải có quyết tâm chính trị cao mới dám chuyển sang phương pháp đấu thầu qua mạng để hạn chế tiêu cực”, ông Tăng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng đấu thầu qua mạng từ lâu và đến năm 2015, đấu thầu điện tử là việc bắt buộc đối với toàn bộ thành viên EU. Tỷ lệ tăng trưởng nhanh của các gói thầu qua mạng trong thời gian qua cho thấy, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều nhìn thấy lợi ích của đấu thầu điện tử. “WB cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam cả về tài chính lẫn kỹ thuật, để hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hạ tầng, nhằm nhanh chóng đưa đấu thầu qua mạng vào áp dụng đại trà”, đại diện WB khẳng định. 

Ông Tăng cho biết, với kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng, dự án giai đoạn II sẽ được trình vào tháng 5/2014 và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2015 nếu được thông qua. Hiện Luật Đấu thầu sửa đổi cũng đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014 trong đó có quy định những chế tài rõ ràng, cụ thể đối với các gói thầu quy định đấu thầu qua mạng, trách nhiệm của các bên mời thầu, như việc cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia đấu thầu các dự án của đơn vị đó; có thể áp dụng chế tài “không công nhận kết quả trúng thầu” nếu bên mời thầu không tuân thủ quy định đấu thầu qua mạng…   

Minh Nhật

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục