Sau một thời gian dài trì trệ, hoạt động cổ phần hóa DN Nhà nước đang được khởi động trở lại, với thông điệp chỉ đạo mạnh mẽ từ phía Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2014 - 2015, phải quyết tâm cổ phần hóa bằng được 432 DN Nhà nước. “Khai hỏa” cho chiến dịch cổ phần hóa DN Nhà nước là ngành giao thông và xây dựng. Ngay trong quý I này, có tới 9 tổng công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành IPO.
Hàng hóa cho TTCK đang hứa hẹn rất phong phú, dồi dào và việc cổ phần hóa được thực hiện trong bối cảnh TTCK bước vào đầu năm 2014 với tâm lý hưng phấn, tuy nhiên, kết quả một số đợt IPO đầu năm đang cho thấy NĐT khá lạnh nhạt.
Trong đợt chào bán cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng ngày 21/2/2014, chỉ có 896.200 cổ phần được mua, chiếm 12,56% trong tổng số 7.137.857 cổ phần đưa ra đấu giá, đem về vỏn vẹn 9,14 tỷ đồng cho tổng công ty này. Mức giá trúng thầu bằng giá khởi điểm là 10.200 đồng/CP.
Trước đó, ngày 20/2, đợt IPO của Tổng công ty Thủy tinh và gốm sứ xây dựng (Viglacera) cũng không thể gọi là thành công. Số lượng cổ phần mà Vigalcera chào bán trong đợt này là 76,947 triệu cổ phần, tương đương khoảng 25% vốn điều lệ của Tổng công ty (3.070 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ có 19,47 triệu cổ phần được chào bán thành công, tương đương 25,3% số lượng cổ phần Viglacera đưa ra đấu giá. Giá trúng thầu bình quân chỉ đạt 10.301 đồng/CP, hầu như không có chênh lệch so với mức giá khởi điểm 10.300 đồng/CP.
Thực ra, soi vào những thông tin kết quả kinh doanh trong quá khứ, không quá khó hiểu vì sao NĐT kém mặn mà với đợt IPO của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng.
Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần của Tổng công ty, lợi nhuận sau thuế năm 2010 là 37,47 tỷ đồng, nhưng sang năm 2011 giảm mạnh xuống 11,43 tỷ đồng, năm 2012 con số này là 18,8 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Tổng công ty tại thời điểm cuối năm 2012 gấp tới gần 20 lần vốn chủ sở hữu, 1.777, 9 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu ở thời điểm này là 90 tỷ đồng.
Từ những đợt IPO của DN nhà nước không thành công từ đầu năm tới nay, không khó dự đoán kết quả của những đợt chào bán cổ phần một số DN nhà nước có quy mô nhỏ và tầm tầm sắp tới.
Ngày 6/3, Công ty TNHH MTV Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa (Trancinwa), tiền thân là Cảng Ninh Bình sẽ thực hiện đấu giá 2.520.200 cổ phần, tương đương 43,08% cổ phần.
Theo Biên bản xác định giá trị DN tại thời điểm 31/12/2012, giá trị phần vốn Nhà nước tại DN là 58,21 tỷ đồng.
BCTC sau kiểm toán của đơn vị cho thấy, lợi nhuận sau thuế trong 3 năm gần đây khá thấp, thậm chí, năm 2012, Công ty lỗ 13,6 tỷ đồng. Năm 2012, dù tổng doanh thu của Công ty đã có sự gia tăng đột biến so với năm 2011, nhưng cũng chỉ đạt gần 67 tỷ đồng.
Với ngành nghề kinh doanh chính là vận chuyển bốc xếp, công trình xây dựng, mua bán thương mại..., có lẽ NĐT không dám đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng đột biến của doanh thu và lợi nhuận.
Sẽ khó cho kế hoạch IPO của Trancinwa, khi trên sàn niêm yết, không ít DN cùng ngành nghề, có kết quả kinh doanh khá khả quan và các chỉ số tài chính lành mạnh, nhưng đang có mức giá khá mềm.
Chẳng hạn, CTCP Vận tải xăng dầu đường thủy (PJT, sàn HOSE) có lợi nhuận rất ổn định trong các năm qua, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2013 đạt 1.1164 đồng, nhưng đang được giao dịch với mức giá 9.000 đồng/CP.
Hay cổ phiếu của CTCP Cảng Cát Lái (CLL - OTC) đang được giao dịch với giá 13.000 đồng/CP, nhưng EPS năm 2013 lên tới 3.475 đồng.
Với Tổng công ty Vận tải thủy - Công ty TNHH một thành viên (VIVASO), tiền thân là Tổng công ty Đường sông miền Bắc, đơn vị sẽ bán đấu giá 15.177.987 cổ phần, tương đương 46,31% vốn điều lệ (327,7 tỷ đồng) vào ngày 19/3, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) “duy trì ổn định” ở mức thấp. Năm 2011, tỷ lệ này là 4,63% và 2012 là 4,64%.
Hay Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (VIWASEEN), đơn vị đấu giá 22,4 triệu cổ phần, tương đương 28,1% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.200 đồng/CP vào ngày 5/3 tới, ROE trong giai đoạn 2010 - 2012 chỉ “đì đẹt” ở 6,01%, 6,34% và 4,84%.
Hàng hóa trên TTCK đang ngày càng phong phú và NĐT có rất nhiều cơ hội lựa chọn, do vậy, những DN Nhà nước có quy mô tầm tầm, tiềm năng tăng trưởng kém, khó mà thu hút được NĐT. Đó là chưa kể, nhiều NĐT có tâm lý e ngại bị “chôn vốn” vào khoản đầu tư này, khi không ít DN Nhà nước sau cổ phần hóa đã lần lữa mãi kế hoạch lên sàn. Dù lãi suất huy động dự báo sẽ tiếp tục giảm, thị trường niêm yết chính thức trong những ngày qua thu hút dòng tiền đột biến, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là dòng tiền nóng, đánh nhanh và rút nhanh.
Mục tiêu cổ phần hóa đang được Chính phủ gắn liền với mục tiêu tái cấu trúc DN Nhà nước. Nhưng với những trường hợp như Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, sau IPO, cổ đông Nhà nước vẫn nắm tới 85,46% vốn điều lệ, không có thêm cổ đông lớn, cơ cấu HĐQT hầu như không có sự thay đổi, thì con đường đến mục tiêu “khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ DN” vẫn còn xa.