Bản lĩnh IR của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Thay vì để thị trường phản ứng tự nhiên với tin đồn, các doanh nghiệp (DN) đang ngày một chủ động trong việc xử lý khủng hoảng thông tin, bên cạnh việc chủ động truyền thông tới nhà đầu tư. Nhờ đó, thị trường đang bớt dần đi những cú sốc thông tin.
Khi nắm đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn trước các tin đồn Khi nắm đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn trước các tin đồn

Ranh giới trần - sàn

Ngay sau khi nhận Quyết định số 3723/QĐ-CT-XP của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh về việc xử phạt vi phạm pháp luật về thuế và công bố trên website của Công ty ngày 9/8/2017, cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt giảm giá sàn.

Việc giảm sàn xảy ra trong bối cảnh cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết khác khi nhận quyết định xử phạt về thuế đã bị loại ra khỏi danh sách cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ (margin).

Tuy nhiên, thay vì để cổ phiếu giảm sàn tự do, ngày 10/8/2017, Phát Đạt đã có Công văn số 336/2017/PĐ-TC về việc bổ sung công bố thông tin bất thường. Tại công văn này, Phát Đạt cho biết, trước khi nhận quyết định xử phạt số tiền hơn 382 triệu đồng, Công ty đã nộp số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước. Phát Đạt cho biết thêm, trong năm 2016, Công ty đã thực nộp vào ngân sách nhà nước số tiền gần 193 tỷ đồng.

Thị trường đồng thời nhận thông tin về hướng khắc phục kịp thời quyết định xử phạt về thuế của Phát Đạt, đồng thời với việc Công ty không bị loại khỏi danh sách cổ phiếu được margin. Đến thời điểm này, đây là một cổ phiếu hiếm hoi bị xử phạt về thuế nhưng không bị loại ra khỏi danh mục được phép giao dịch ký quỹ.

Xét về mặt quy định pháp lý, việc HOSE không đưa cổ phiếu PDR ra khỏi danh sách cổ phiếu được giao dịch ký quỹ có hợp lý hay không, nhưng rõ ràng, ứng xử của Phát Đạt trong tình huống này đã giúp cổ đông PDR thoát khỏi sức ép tâm lý bán cổ phiếu trong nỗi lo siết margin. Đây là ví dụ ngược với câu chuyện của Công ty cổ phần Traphaco, cũng chung hoàn cảnh bị xử phạt thuế trước đó.

Cụ thể, tháng 5/2017, Traphaco nhận quyết định của Cục Thuế Hà Nội về việc xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra thuế giai đoạn 2014-2016, với tổng thuế phải nộp bổ sung, phạt và tiền chậm nộp là hơn 5 tỷ đồng.

Với quyết định này, cổ phiếu TRA bị ra khỏi danh sách được phép giao dịch ký quỹ, dù 5 tỷ đồng là mức tiền nhỏ so với mức chi thuế thường xuyên của Công ty hàng đầu ngành dược này.

Đáng nói hơn, thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2017 cho thấy, TRA đã thực hiện nghĩa vụ thuế này, nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa có công bố thông tin nào trên cổng thông tin của Sở GDCK TP. HCM về vấn đề thuế. Theo đó, đến thời điểm 28/8/2017, cổ phiếu TRA vẫn đứng ngoài danh sách được phép giao dịch ký quỹ.

Chủ động thông tin sẽ tốt hơn cho DN và nhà đầu tư

Sau chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG ngày 31/7/2017, thông tin về Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã chứng khoán VCI) bỗng trở nên nóng hơn bởi các… tin đồn.

Lý do là trước đó, thị trường đã xuất hiện thông tin VCSC là đơn vị tư vấn cho thương vụ. Dù thông tin này không khiến giá cổ phiếu VCI biến động mạnh, nhưng lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt cũng đã kịp thời đính chính thông tin, giúp nhà đầu tư yên lòng hơn trước các tin đồn thất thiệt.

Ngoài những doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần GTNfoods (mã GTN) đã chủ động ra thông tin về chất lượng hoạt động tái cấu trúc các doanh nghiệp sau M&A trước khi kết quả kinh doanh quý được công bố với một lý do duy nhất: để nhà đầu tư yên tâm hơn khi nhìn thấy những thành quả vô hình từ tái cấu trúc, thay vì chỉ tập trung vào doanh thu, lợi nhuận.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (mã FIT), dù có thời gian dài khá im ắng trên báo chí, nhưng mật độ cung cấp thông tin trực tiếp cho các nhà đầu tư thông qua các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hoặc bản tin IR hàng quý và thông tin trên website được cập nhật liên tục.

Chủ động trong quan hệ nhà đầu tư (IR) đang được các doanh nghiệp niêm yết đẩy lên một mức độ cao hơn, đó là chủ động đưa thông tin trước khi thị trường đòi hỏi. Trước những điểm nóng BOT, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CII) tổ chức gặp mặt nhà đầu tư để thông tin về chiến lược hoạt động. Xét về mặt cập nhật thông tin nhà đầu tư đại chúng, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng là doanh nghiệp có độ phủ thông tin rộng khắp trên thị trường hiện nay.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc IR dễ mang màu sắc truyền thông kích giá cổ phiếu, nhưng với những nhà đầu tư dài hạn, khi nắm đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, họ chắc chắn sẽ có những ứng xử bình tĩnh và chuẩn mực hơn trước các loại tin đồn.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục