Dễ bằng lòng với công tác IR, doanh nghiệp khó đi xa và vững tiến

(ĐTCK) Thực hiện công tác quan hệ nhà đầu tư đạt hiệu quả không khó, nhưng cái khó nằm ở chính Ban lãnh đạo doanh nghiệp có muốn làm IR và có kiên định với mục tiêu thông tin minh bạch trong bất cứ hoàn cảnh nào hay không.
Dễ bằng lòng với công tác IR, doanh nghiệp khó đi xa và vững tiến

Cổ đông lớn: động lực thúc IR tốt hơn

Hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của một số doanh nghiệp niêm yết đã có nhiều tiến bộ trong 2 năm gần đây. Nhìn lại quá trình thay đổi này có thể thấy vai trò của các cổ đông lớn, cổ đông tổ chức trong việc thúc đẩy IR là rất quan trọng.

Khi mới niêm yết được 1 năm, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) rất ít được nhà đầu tư quan tâm, thể hiện qua thanh khoản èo uột. Trong khi đó, công ty này tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư từ các định chế tài chính như IFC, ASPL (Quỹ đầu tư của Tập đoàn bất động sản hàng đầu Malaysia - Ireka), Công ty Nam Việt (100% vốn của một ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới) và Quỹ Vietnam Azalea Fund.

NLG đã tìm đến với Công ty cổ phần Chứng khoán HSC để tìm tư vấn về hoạt động IR. Phân tích các nguyên nhân khiến giá và thanh khoán cổ phiếu NLG thấp, HSC đã đặt ra hàng loạt yêu cầu cơ bản như cải thiện các chỉ số tài chính, phân kỳ đầu tư để đảm bảo hạch toán lợi nhuận hàng quý không để lỗ liên tiếp 3 quý đầu, lãi bù vào quý cuối năm như trước gây sốc cho thị trường, thực hiện các cuộc tiếp xúc gặp gỡ định kỳ nhà đầu tư.

NLG đã kiên trì cùng lúc thực hiện các mục tiêu này. Việc cải thiện các chỉ số tài chính đòi hỏi tái cấu trúc Tập đoàń, tăng sở hữu ở các công ty thành viên, thực hiện hoán đổi cổ phiếu công ty con để tăng lượng cổ phần tự do chuyển nhượng trên thị trường. NLG đã định kỳ hàng quý gặp gỡ các chuyên gia phân tích, công ty chứng khoán và báo chí để cập nhật thông tin hàng quý.

Từ đó, NLG có những thay đổi trong mắt nhà đầu tư, trở thành doanh nghiệp điển hình trong thực hiện IR trên thị trường. Phần thưởng lớn nhất với NLG chính là sự tin tưởng của các đối tác, nên đã thu hút được vốn đầu tư từ các đối tác mới, đặc biệt là sự hợp tác với 2 doanh nghiệp Nhật Bản để triển khai các dự án bất động sản lớn tại TP.HCM.

Câu chuyện tại Công ty cổ phần Coteccons (CTD) cũng là một điển hình về hoạt động IR. Nhóm phân tích của CTCK Maybank Kim Eng đánh giá, CTD đã có sự thay đổi rất nhanh về IR trong năm 2016. Đặc biệt, kể từ sau khi phát hành riêng lẻ thành công huy động 1.800 tỷ đồng vốn từ các nhà đầu tư, trong đó có 2 quỹ đầu tư lớn là Vinacapital và Dragon Capital, CTD đã thực hiện IR tích cực bao gồm truyền thông trên báo chí, gặp gỡ tiếp xúc nhà đầu tư.

Nhìn lại quá trình thực hiện IR của hàng loạt doanh nghiệp lớn đều thấy bóng dáng của các cổ đông tổ chức đóng vai trò thúc đẩy. Doanh nghiệp nào càng sớm thành công trong huy động vốn sớm đều sớm chú trọng thực hiện IR bài bản, ví dụ như VNM, DPM, FPT, PVD, NLG, HPG... Lý do là việc cổ phiếu kém thanh khoản, giá thấp, sẽ ảnh hưởng lớn đến các đối tác chiến lược, bởi giá trị của các khoản đầu tư của họ được ghi nhận theo giá thị trường sẽ thấp hơn giá vốn hoặc giá trị thực tế.  

Theo Maybank Kim Eng, để tự đánh giá chất lượng IR, các doanh nghiệp có thể soi mình vào các tiêu chí: Mức độ dễ tiếp cận ban lãnh đạo doanh nghiệp (ví dụ là MWG); phân công rõ ràng cho một bộ phận hoặc một cá nhân phụ trách IR (tốt nhất là chức danh của họ là IR officer như ở VNM, BVH, FPT, PVD, DPM hay NLG); mức độ dễ dàng đối với một nhà đầu tư trong việc đặt câu hỏi và có được câu trả lời nhanh chóng (theo yêu cầu, hoặc định kỳ hàng quý, điển hình là HPG, VIC); tiêu chuẩn công bố thông tin cao hơn mức độ bắt buộc của HOSE (VIC làm tốt với Báo cáo FRS và presentation định kỳ, kèm theo họp và AGM song ngữ Anh/Việt); tốc độ cải thiện các khâu trên trong 1 năm…

IR: kém, gián đoạn và thiếu công bằng, vì đâu?

Theo một số CTCK đánh giá, IR vẫn còn là vấn đề mới ở Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, còn rất nhiều hạn chế trong công tác IR ở các doanh nghiệp niêm yết. Điểm yếu kém lớn nhất là nhiều doanh nghiệp không có bất kể hoạt động IR nào trong một năm, ngoài việc cập nhật một số hoạt động thường xuyên trên web, công bố thông tin theo quy định, công bố Báo cáo thường niên và Đại hội cổ đông cổ đông được thực hiện ở mức độ tối thiểu.

Ở rất nhiều doanh nghiệp, khi giá cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị doanh nghiệp, đứng trước sức ép của cổ đông, ban lãnh đạo mới có một vài bài báo cập nhật thông tin, thậm chí có những lãnh đạo cũng không biết phải làm như thế nào và cũng không có đủ động lực để tìm một đơn vị tư vấn về việc này. Một khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, số trang web của doanh nghiệp có mục “Hỏi đáp cho nhà đầu tư” chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa nói đến mức độ trả lời kịp thời.

Chính sự “ngơ ngác” (cố tình hoặc vô tình) của ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã phát sinh những câu chuyện có thật và không hiếm chuyện nhà đầu tư bên ngoài chủ động vào đánh giá giá trị doanh nghiệp, gom mua cổ phiếu, đưa thông tin ra bên ngoài để đẩy giá cổ phiếu cho “đúng giá trị” và chốt lời.

Một hạn chế tiếp theo là sự gián đoạn trong trong công tác IR. Một số doanh nghiệp khi tình hình kinh doanh thuận lợi thì thực hiện IR chăm chỉ, nhưng khi kinh doanh khó khăn thì... quên luôn. Điều này khiến các cổ đông thiếu thông tin hoang mang lo lắng, thiếu kiên nhẫn mà bán cắt lỗ, khiến giá cổ phiếu giảm sâu, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông.

Câu chuyện nhiều cổ phiếu tăng giá gấp 3-4 lần chỉ trong 6 tháng hay 1 năm thường là do trước đây doanh nghiệp đã quên IR và chỉ cần khi lãnh đạo công ty đăng đàn phát biểu gì đó là giá cổ phiếu lại tăng lên đột biến như HAR, QCG hay ITA…

Thiếu công bằng trong hoạt động IR là hạn chế lớn, ngay cả ở một số công ty đang được đánh giá là làm tốt cũng mắc phải. Chẳng hạn, các quy định yêu cầu về công bố thông tin bằng tiếng Anh là để công bằng về thông tin giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự thiếu công bằng lớn nhất còn nằm ở nhóm nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư cá nhân, cổ đông nhỏ lẻ.

Cụ thể là các công ty niêm yết thường gặp gỡ các tổ chức đầu tư, chứ không thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có tình huống giá cổ phiếu bật tăng, hoặc giảm ngay trong thời điểm diễn ra các cuộc gặp đó do các nhà đầu tư lớn phản ứng trước. Thỏa thuận được đưa ra là các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ biết thông tin ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp sau nhà đầu tư lớn ít nhất 3 giờ, thậm chí còn lâu hơn.

Ở thời đại công nghệ thông tin hiện nay, có rất nhiều giải pháp để khắc phục sự thiếu công bằng này như truyền hình trực tuyến, đăng video hỏi đáp trên website Công ty. Tuy nhiên, vấn đề lớn ở chỗ ban lãnh đạo công ty niêm yết có muốn làm IR một cách bài bản hay không và xa hơn nữa làm đến mức độ nào. Hiện tại, dường như chỉ cần đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức, các CTCK là nhiều doanh nghiệp đã "bằng lòng" với công tác IR hiện nay.

Trong khi đó, xu hướng trên thế giới là công nghệ số đang trở thành công cụ để xóa mờ dần sự bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin giữa một cá nhân và tổ chức. Tại Việt Nam, mong sao các doanh nghiệp trên sàn đều xây dựng cách đánh giá IR và tự hỏi mình đã làm tốt, làm có trách nhiệm chưa?  

Thu Hương
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục