Một số doanh nghiệp cho biết sẽ hoạt động một phần, một số phải tính đến phương án đóng cửa tạm thời nếu tình trạng giãn cách xảy ra lần nữa.
Từ hoạt động cầm chừng
Không lâu sau khi lệnh giãn cách xã hội ở Đà Nẵng được ban hành, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Trà và Cà phê Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng cà phê The Coffee House, đã thông báo tạm dừng hoạt động 20 cửa hàng tại khu vực này cho đến khi lệnh giãn cách được chấm dứt.
So với lần giãn cách trước, gần như đồng loạt toàn bộ hệ thống với hơn 180 cửa hàng của Công ty chịu ảnh hưởng, thì lần này thiệt hại có phần giảm nhẹ khi chỉ mới có khu vực Đà Nẵng phải tạm dừng hoạt động.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho các tình huống tiếp theo”, ông Võ Duy Phú, Giám đốc thương mại và marketing The Coffee House nói.
Khi được hỏi về phương án thương thảo giảm giá với các chủ mặt bằng, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ thực hiện đàm phán, nhưng đa số đều cho rằng khó, vì nhiều chủ mặt bằng cũng đã giảm giá và họ cũng đang chịu thiệt hại nặng nề từ Covid-19. Các chính sách cần kíp hiện nay là Nhà nước giảm thêm hoặc giãn các loại thuế giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo đó, nếu tình trạng giãn cách diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Công ty sẽ xin phép hoạt động theo mô hình “chỉ bán mang đi và giao hàng tại nhà”. Toàn bộ mặt bằng với diện tích hơn trăm mét vuông ở các khu vực thuận tiện giao thông của Công ty sẽ được vận hành chỉ với 3, 4 nhân viên, với nhiệm vụ vừa pha chế, nhận đơn đặt hàng từ ứng dụng.
Tương tự, việc hợp tác với đối tác giao nhận thứ ba là Ahamove cũng phải tạm thời dừng lại, nhân viên Công ty sẽ đảm nhiệm việc giao hàng.
Không chỉ The Coffee House, nhiều chuỗi cà phê khác cũng bước một chân vào lĩnh vực gọi món trực tuyến như Highland Coffee hợp tác với ứng dụng Now (Sea - Singapore) để phục vụ khách hàng trong mùa giãn cách.
Song, cần phải khẳng định rằng, kinh doanh trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời vì phần lớn doanh thu các chuỗi cà phê vẫn đến từ các hoạt động tại cửa hàng. Điển hình The Coffee House, dù đầu tư mảng giao nhận trực tuyến rất sớm, từ giữa năm 2016, nhưng doanh thu từ mảng này mới chiếm hơn 20% tổng doanh thu của Công ty.
Việc mở trực tuyến, theo ông Phú, là cần thiết để phục vụ 3 mục tiêu chính trong thời điểm hiện tại là giữ thương hiệu vẫn còn hoạt động, đáp ứng thói quen tiêu dùng mặt hàng cà phê hàng ngày của khách hàng và tạo thêm thu nhập cho nhân viên. Công ty cũng dành thời gian này phát triển các tính năng, sản phẩm mới để tung ra thị trường trong thời gian tới.
“Thật khó có thể hoàn thành mục tiêu đảm bảo doanh số trong thời điểm hiện tại. Đối với chúng tôi, giữ thương hiệu hoạt động và đảm bảo đời sống nhân viên là quan trọng nhất trong giai đoạn này”, ông Phú nói.
Đến tạm dừng chờ bão qua
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng mô hình kinh doanh trên Internet để bù đắp phần nào chi phí và nhóm này chỉ còn cách tạm đóng cửa trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
Điển hình như mô hình quán bia, với thực đơn đa dạng, nguyên liệu sử dụng trong ngày, đang là bài toán khó giải cho nhóm này khi chuyển lên kinh doanh trực tuyến. Nhất là trong thời gian gấp rút như hiện nay, việc triển khai ngay lập tức cùng chi phí quảng cáo cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc.
Quan trọng hơn, theo ông Võ Trọng Trường Lân, sáng lập chuỗi quán bia The Gangs, mô hình quán nhậu hiện nay phụ thuộc rất lớn vào trải nghiệm tại quán. Có thể nói, khách hàng đến quán bia để có không gian trò chuyện cùng nhau và đây là trải nghiệm rất khó tạo ra trên trực tuyến.
Trong khi đó, đối với ngành thời trang, lãnh đạo một chuỗi cửa hàng lớn ở TP.HCM cho biết, ngành này đang chịu tác động kép của Covid-19 và mùa mưa lũ.
Ngay khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, người dân đi lại nhiều hơn, kéo theo nhu cầu mua sắm trở lại. Nhưng khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà khiến việc đi lại của người dân cũng hạn chế, nhu cầu mua sắm đồ thời trang vì thế cũng giảm theo, cộng thêm việc TP.HCM đang vào mùa mưa, khiến doanh thu bị ảnh hưởng kép.
“Cho đến thời điểm hiện tại, bán online chỉ là bước đầu của các doanh nghiệp chuỗi thời trang bán lẻ, đó là xuất hiện thương hiệu trên Internet. Các chương trình bán hàng trực tuyến phần lớn đều được công ty trợ giá để thu hút khách hàng mới, rất khó để xem đây là nguồn thu chính trong bối cảnh hiện nay”, lãnh đạo chuỗi cửa hàng thời trang này nhận xét.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm nhân sự đã được thực hiện từ đợt cách ly trước, nên các doanh nghiệp cũng khó lòng giảm thêm. Xa hơn, họ cần chuẩn bị nhân lực cho mùa sale cuối năm, bắt đầu từ tháng 10 tới.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mua hàng của người dân. Lúc đó nhiều doanh nghiệp sẽ phải tái cơ cấu trên diện rộng, chứ không đơn thuần là cắt giảm nhân sự hay đóng cửa các mặt bằng không hiệu quả. Riêng với mặt hàng thời trang, các sản phẩm sẽ phải thiết kế lại hoàn toàn, tập trung vào phân khúc giá vừa phải, phổ thông và ngừng tất cả các dòng sản phẩm cao cấp.