Bán lẻ một năm chênh vênh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức cầu tiêu dùng giảm mạnh từ cuối năm 2022 kéo sang nửa đầu năm 2023 khiến ngành bán lẻ đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng nhóm doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ khởi sắc từ quý IV/2023.
Bức tranh ngành bán lẻ sẽ sáng sủa hơn trong nửa cuối năm Bức tranh ngành bán lẻ sẽ sáng sủa hơn trong nửa cuối năm

Chật vật giữ thị phần

Theo khảo sát của Infocus Mekong Research, niềm tin của người tiêu dùng đã sụt giảm mạnh từ 63 điểm vào tháng 7/2022 xuống còn 54 điểm vào tháng 6/2023. Trong đó, vấn đề ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng chủ yếu là từ yếu tố vĩ mô, bao gồm lạm phát (57% khảo sát), kinh tế Việt Nam suy thoái (45% khảo sát), thất nghiệp (41% khảo sát) và suy thoái kinh tế toàn cầu (39% khảo sát).

Trong xu hướng trên, lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ đã đưa ra dự báo 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục khó khăn. Những yếu tố vĩ mô kém tích cực sẽ làm giảm tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, nhất là các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tác động tạm thời làm chậm lại các động lực tăng trưởng của doanh nghiệp.

Khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp bán lẻ ngành điện tử tiêu dùng phải đối mặt với cuộc chiến duy trì thị phần trong năm 2023. Để sống sót được và có đà tăng trưởng ở mảng tiêu dùng, các nhà bán lẻ bước vào cuộc đua “giá rẻ”, "rẻ hơn nữa", "siêu rẻ"… Thêm vào đó, nhu cầu yếu khiến lượng hàng tồn kho cao, để giải phóng tồn kho, các doanh nghiệp cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá..., càng khiến bức tranh kinh doanh trở nên ảm đạm hơn.

Hiện các doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhưng giới phân tích ước tính doanh thu, lợi nhuận của nhóm bán lẻ tiếp tục sụt giảm. Các công ty phân phối bán lẻ điện tử tiêu dùng chịu ảnh hưởng mạnh nhất kể từ tháng 4 - 5/2023.

Nhìn lại quý đầu năm nay, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp trong ngành với nhiều gam màu xám, doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm 10 - 40% so với cùng kỳ.

Điển hình là ông lớn ngành bán lẻ - Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) - đã ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý I/2023 lao dốc mạnh, xuống mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết năm 2014 tới nay. Kết thúc 3 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 27.105,8 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 21,28 tỷ đồng, giảm tới 98,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, Thế giới di động đặt kế hoạch kinh doanh đi ngang với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023). Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Công ty chỉ mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng liên tục giảm, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 khá thận trọng với mục tiêu doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13% nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm tới 51% so với thực hiện năm ngoái, xuống còn 240 tỷ đồng.

Dù vậy, kết thúc quý I/2023, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 7.752,87 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4%; nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vẻn vẹn 2,07 tỷ đồng, giảm tới 97,86% so với cùng kỳ năm ngoái và mới hoàn thành 0,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng là 52% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 42% tổng doanh thu toàn Công ty. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FRT cho biết, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Công ty trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cũng đưa ra kế hoạch đi lùi với mục tiêu năm 2023 là doanh thu giảm 9% và lợi nhuận giảm 42% so với thực hiện của năm ngoái, lần lượt đạt 20.000 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.

Trong quý I/2023, Thế giới số ghi nhận doanh thu 3.941,9 tỷ đồng, giảm 44,51%; lợi nhuận sau thuế 81,9 tỷ đồng, giảm 61,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kết thúc 3 tháng, Công ty mới hoàn thành 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ngoại trừ Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với mục tiêu kinh doanh tăng trưởng, tương ứng doanh thu dự kiến gần 35.598 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.937 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 7% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2023, PNJ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 14.281 tỷ đồng và 970 tỷ đồng, hoàn thành 50,1% mục tiêu lợi nhuận năm.

Kỳ vọng quý IV/2023

Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng được dự báo sẽ có mức lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh trong quý IV/2023.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đã nhấn mạnh rằng: “Thời điểm tiêu dùng tồi tệ nhất và đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, thị trường đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực trong nửa sau 2023”.

Nhu cầu tiêu dùng đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực trong nửa sau 2023.

Theo VNDirect, cơ sở để đưa ra nhận định trên là những chuyển biến tích cực tại Mỹ khi CPI dần hạ nhiệt, gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa không chỉ tại thị trường này mà tác động lan tỏa toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính được kỳ vọng sẽ tăng tốc từ nửa cuối 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và kinh tế suy thoái, từng bước ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới.

Ngoài ra, xu hướng giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tiêu dùng. Đối với các sản phẩm ICT, đặc biệt điện thoại thông minh, chu kỳ thay điện thoại ước tính từ 2-2,5 năm, theo đó VNDirect kỳ vọng quý IV/2023 sẽ là thời điểm bùng nổ khi niềm tin của người tiêu dùng sau khi chạm đáy sẽ tăng lên và nhu cầu mạnh mẽ sau một năm thắt chặt tiêu dùng.

Cùng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán VISecurities kỳ vọng nhu cầu mua sắm sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm sau diễn biến suy yếu trong nửa đầu năm.

“Triển vọng của ngành bán lẻ được đánh giá sẽ trở nên tích cực khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, trong khi câu chuyện lạm phát và lãi suất ở các nước lớn cũng không còn quá nóng, lạm phát của Mỹ đã về vùng thấp nhất trong gần 2 năm gần đây”, VISecurities nhận định.

Công ty Chứng khoán DSC cũng cho rằng, những gì tồi tệ nhất của ngành bán lẻ đã qua và kỳ vọng càng về cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn.

Một thông tin tích cực cho doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian tới là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2023, thời gian áp dụng dự kiến 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế VAT giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bán lẻ. Doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa, thậm chí có thể điều chỉnh giá cả theo hướng cạnh tranh hơn, đồng thời gia tăng sức mua của khách hàng.

Bên cạnh đó, mùa mua sắm cuối năm cũng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cải thiện bức tranh kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng. Về dài hạn, với quy mô dân số 100 triệu người và thu nhập trung bình ngày càng tăng cao, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn.

Hải Minh
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục