Người bán đã thay đổi
Thị trường thực sự bước vào giai đoạn cao trào mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng (M&A) dự án, nhà xưởng, nhà máy đang tạo ra nhiều câu hỏi về khả năng hấp thụ của nhà đầu tư trên thị trường.
Trước hết, việc chuyển nhượng dự án khác với hoạt động M&A thông thường. Khi nói đến M&A, người ta nói đến các việc mua bán các công ty đã hoạt động lâu năm. Khi nói đến chuyển nhượng dự án, người ta nói đến việc mua bán các dự án còn mới hoàn toàn hoặc chưa hoàn thành. Việt Nam gần đây nói nhiều đến M&A, vì giá trị giao dịch trong giai đoạn 2008-2013 đã tăng 5 lần (từ 1 tỷ USD lên 5 tỷ USD).
Theo ông Trần Vinh Dự, Tổng giám đốc Công ty TNK Capital Partners, qua nhiều năm kinh tế lâm vào khó khăn, kỳ vọng của các chủ doanh nghiệp đã thay đổi nhiều. Nếu trước đây, nhiều người coi doanh nghiệp của mình là lãnh địa riêng bất khả xâm phạm, thì nay nhiều chủ doanh nghiệp đã chuyển dần sang tâm thế doanh nghiệp là một sản phẩm, nghĩa là làm tốt thì có thể bán để thu lãi.
Ngoài ra, một xu thế khác cũng hiện rõ là việc bán các dự án trong lĩnh vực bất động sản, nông, lâm nghiệp, công nghiệp trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, các giao dịch dạng này thường khó kiếm người mua, vì doanh nghiệp đã “nát” quá rồi, thì khó bán. Hơn nữa, người mua chủ yếu là các doanh nghiệp cùng ngành trong và ngoài nước, với số lượng không quá nhiều, chứ không phải các định chế tài chính.
Quan sát những dự án đã và đang thông báo chuyển nhượng trên thị trường thời gian qua, giới phân tích cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã ngập quá sâu vào nợ nần, khiến vốn chủ sở hữu đã bị âm từ lâu.
Bản thân những nhà tư vấn M&A như ông Dự cũng đã cố gắng giúp nhiều doanh nghiệp như trên, nhưng thực sự là không dễ. Cũng có một số trường hợp thành công, như Công ty Thủy sản Bình An (Bianfisco) chẳng hạn, nhưng lại là do ngân hàng có sức ép buộc phải hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng cách đổi nợ thành vốn chủ sở hữu (một phần hoặc toàn bộ). Cách đi này khiến doanh nghiệp giảm được nợ, còn ngân hàng thì cũng dễ giải trình vì không phải hạch toán thành một khoản lỗ hay mất trắng.
Theo ông Dự, vấn đề lớn vẫn là kỳ vọng của chủ doanh nghiệp còn quá cao. Có chủ doanh nghiệp chỉ có mỗi giấy phép, nhưng cũng đòi bán 4-5 triệu USD, vì lý do xin giấy phép ở Việt Nam rất phức tạp, rất khó, rất tốn thời gian và tiền bạc…
Người mua kỳ vọng quyền chi phối
Thực tế, trong 5 năm qua, M&A tại Việt Nam đã tăng giá trị lên gấp 5 lần, nhưng lại hoạt động trên nền tảng rất thấp. Ông James Malackey, Trưởng bộ phận Tư vấn mua bán và tái cấu trúc doanh nghiệp, Công ty KPMG Việt Nam cho rằng, nguyên nhân lớn nhất liên quan đến những kỳ vọng không sát thực khi định giá. Nhiều doanh nghiệp trong nước định giá doanh nghiệp của họ quá cao so với thị trường. Và cũng có nhiều nhà đầu tư cũng chưa chuẩn bị tâm lý để bỏ số tiền đó vào một công ty tốt tại Việt Nam.
Nếu không có sự trao đổi rõ ràng thì việc định giá sẽ là rào cản rất lớn trong quá trình thương thảo, dẫn đến thất bại. Thậm chí có nhiều thương vụ hoàn tất nhưng vẫn thất bại, vì ban lãnh đạo trong nước làm việc theo hướng này trong khi nhà đầu tư ngoại lại theo hướng khác, không hoàn thành mục tiêu cộng hưởng. “Giải pháp là cân bằng mục tiêu và phương thức quản trị doanh nghiệp để hướng đến mục tiêu dài hạn”, ông James Malackey nói.
Ngoài ra, thủ tục pháp lý thường bị các nhà đầu tư Nhật Bản than phiền là mất rất nhiều thời gian. Một vấn đề nữa tồn tại không chỉ ở Việt Nam là cải thiện vấn đề pháp lý và giảm thiểu tình trạng quan liêu.
Các nhà đầu tư đến Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ có được quyền chi phối khoản đầu tư đó. Trong khi một số nhà đầu tư thương vụ nhỏ thụ động sẽ tiếp tục hài lòng với vị trí cổ đông thiểu số, thì các nhà đầu tư quy mô lớn ngày càng mong muốn chi thêm tiền để có nhiều quyền chi phối hơn.
“Đây là nhà đầu tư dài hạn, họ nhìn thấy những tín hiệu tích cực trong hiệu quả kinh doanh về sau. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần cởi mở để nhìn nhận rằng, phải có sự cân bằng giữa chủ sở hữu sáng lập doanh nghiệp và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài”, ông James Malackey nói.
Theo ông James Malackey, các nhà đầu tư trung và dài hạn luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức tại thị trường Việt Nam. “Chúng ta sẽ thấy sự trở lại của các luồng vốn khác, đặc biệt từ các quỹ đầu tư tư nhân hơn, với phạm vi đầu tư ngắn hạn hơn, trở lại với thị trường, cùng với các nhóm và các nhà đầu tư riêng lẻ khác”, ông James Malackey cho biết.
Chờ sự trở lại của các luồng vốn
Trong giai đoạn 2008 - 2013, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng được ghi nhận là sàn sóng thứ nhất, với biến động của thị trường chứng khoán, nỗ lực doanh nghiệp tái cấu trúc… Vậy điều gì sẽ chờ đợi chúng ta trong giai đoạn 5 năm tới (2014- 2018)?
Năm 2013, Công ty KPMG đã tiến hành khảo sát 400 nhà đầu tư, tài chính chiến lược tại Việt Nam, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và khu vực châu Âu. Kết quả cho thấy, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, với 69% số người được hỏi sẽ thực hiện ít nhất một thương vụ trong vòng 5 năm tới, chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ và sản xuất công nghiệp.
Lý do là, những ngành này có nhiều hấp dẫn về dân số học, mức thu nhập khả dụng của người Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Trong khi đó, các ngành kém thu hút đầu tư hơn là bất động sản và đầu tư tài chính do những khó khăn hiện tại, các giao dịch chất lượng cao ít hoặc những quan ngại về định giá tài sản.
Trong khi đó, ông Trần Vinh Dự lại chưa thấy bất cứ lý do gì để nói rằng, Việt Nam đang có sóng M&A mới, vì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện vĩ mô. Tình hình có vẻ đang khả quan hơn đôi chút trong năm 2014, song nhìn về trung hạn, thì chưa thấy bất cứ nhà đầu tư nào lạc quan hơn một cách đáng kể.
Đặc biệt, các nhà đầu tư trong nước đang cần có lòng tin về sự đi lên của nền kinh tế. Việt Nam đã cam kết hội nhập sâu rộng, nhưng cần được thực thi nghiêm túc hơn, thông tin minh bạch hơn, nếu vẫn như thời gian qua, thì nhà đầu tư chỉ đi tìm hầm trú ẩn dưới dạng đầu cơ.
Trong khi đó, dòng vốn ngoại lại đang được kỳ vọng hơn cả. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được ráo riết thực hiện sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới trên thị trường M&A. Đặc biệt, việc bán các doanh nghiệp đầu đàn của Việt Nam là điều mà dòng vốn ngoại chờ mong nhất.
Ông Dự cho rằng, chủ trương thì rất mạnh mà thực hiện thì rất chậm chạp. Hơn nữa, cái giá mà Nhà nước rao bán cổ phần cũng không rẻ, nếu có rẻ thì chi phí lobby cũng cao. Do đó, cho đến thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa tận dụng nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam.
Tương tự, theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các nền kinh tế trên toàn cầu cũng đang tiến hành tái cấu trúc nên cần nguồn tài chính và sẽ thắt chặt tiền tệ. Nhưng ở đâu đó dòng tiền lỏng lẻo vẫn chảy trên thị trường tùy theo mức độ ổn định và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.
Dù vậy, ông Thành cảnh báo, cần cảnh giác cao độ, giám sát chặt chẽ dòng tiền nóng, vì nhà đầu tư ngoại sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư ngắn hạn, đánh nhanh thu nhanh. “Khép lại một giai đoạn mở đầu được coi là trào lưu tươi tắn, rầm rộ, thì giai đoạn tới có nhiều cơ hội hơn nhưng bắt đầu phải chọn lọc hơn, gắn với câu chuyện cải cách, hội nhập hơn”, ông Thành nói.