Bán khống

Khi nhà đầu tư (NĐT) chắc chắn về việc giá của một cổ phiếu sẽ giảm trong tương lai gần, làm thế nào để kiếm lời từ sự sụt giá cổ phiếu đó? Hay làm thế nào để NĐT có thể tăng giá trị của danh mục đầu tư trong thị trường giá xuống? Cả hai trường hợp trên đều có thể thực hiện được.
Bán khống được cho là tăng tính thanh khoản trong giao dịch cổ phiếu. Bán khống được cho là tăng tính thanh khoản trong giao dịch cổ phiếu.

Nhiều NĐT kiếm được lợi nhuận khi một loại cổ phiếu bị sụt giá hoặc ngay cả khi thị trường đang là thị trường giá xuống, nhờ vào hình thức đầu tư mang tên bán khống.

Bán khống không phức tạp, nhưng đó là một khái niệm mà nhiều NĐT không thật sự hiểu. Nhìn chung, mọi người hiểu đầu tư nghĩa là mua một tài sản nào đó, giữ lại khi giá tài sản tăng lên và cuối cùng là bán ra để kiếm lợi nhuận. Bán khống là khái niệm ngược lại: NĐT chỉ có thể thu về lợi nhuận trong trường hợp chứng khoán (CK) sụt giá.

Khi NĐT mua cổ phiếu, NĐT mua một phần quyền sở hữu của công ty. NĐT có thể mua bán cổ phiếu qua nhà môi giới (NMG) hoặc trực tiếp với công ty. Mua bán qua NMG là hình thức phổ biến nhất. NMG là trung gian giữa bên mua và bên bán, và họ thường tính phí môi giới.

Khi có sự tham gia của NMG, NĐT cần mở một tài khoản (TK) giao dịch. Đó có thể là TK tiền mặt hoặc TK ký quỹ. TK tiền mặt yêu cầu NĐT phải thanh toán luôn tiền khi mua CK, nhưng với TK ký quỹ, NMG sẽ cho vay một phần số tiền tại thời điểm mua vào và số CK mua vào đó sẽ được coi như vật thế chấp (chúng tôi đã đề cập đến TK ký quỹ trong bài viết trước).

Khi NĐT quyết định mua cổ phiếu, họ kỳ vọng rằng, trong tương lai giá cổ phiếu đó sẽ tăng. Ngược lại, khi NĐT bán cổ phiếu, họ dự đoán rằng giá cổ phiếu chuẩn bị giảm.

Bán khống là việc bán ra một cổ phiếu mà người bán không sở hữu. Cụ thể hơn, việc bán khống là một hình thức bán CK mà người bán không sở hữu, nhưng được đảm bảo sẽ có CK để chuyển đến người mua. Điều này nghe có vẻ rắc rối, nhưng thực chất nó lại là khái niệm rất đơn giản.

Khi NĐT bán khống cổ phiếu, NMG sẽ cho NĐT vay cổ phiếu đó. Số cổ phiếu này bắt nguồn từ TK riêng của NMG, cũng có thể là từ TK của một khách hàng trong công ty hoặc từ một công ty môi giới khác. Cổ phiếu được bán ra và số tiền thu được sẽ chuyển vào TK của NĐT. Sau đó, NĐT sẽ phải "đóng" giao dịch bán khống bằng cách mua lại đúng số lượng cổ phiếu đã bán ra và trả lại số CK đó cho NMG. Nếu giá cổ phiếu hạ, NĐT có thể mua lại ở mức giá thấp hơn và thu về lợi nhuận nhờ sự chênh lệch giá. Nếu giá cổ phiếu tăng, NĐT phải mua lại ở mức giá cao hơn, nghĩa là phải chấp nhận thua lỗ.

Trong hầu hết trường hợp, NĐT có thể trì hoãn thời điểm mua lại, nhưng do TK ký quỹ có tính lãi nên việc để giao dịch bán khống trong trạng thái "mở" càng lâu sẽ càng tốn kém. Mặt khác, NMG có thể ép NĐT hoàn trả lại số CK mà NĐT đã vay. NMG không thể bán ra những gì họ không có, vì thế NĐT hoặc là phải vay thêm số cổ phiếu mới hoặc bắt buộc phải mua lại để hoàn trả. Hành động này được hiểu là việc NMG thực hiện quyền đòi lại. Điều này không xảy ra thường xuyên, nhưng cũng sẽ có thể xảy ra nếu nhiều NĐT cùng bán khống một mã CK.

Vì không sở hữu cổ phiếu được bán khống (NĐT vay cổ phiếu rồi bán ra), NĐT phải trả cho bên cho vay cổ tức hoặc quyền lợi phát sinh trong quá trình vay CK. Nếu cổ phiếu chia tách trong thời gian bán khống, NĐT sẽ nợ gấp đôi số cổ phiếu (với giá giảm còn một nửa). Nói chung, hai lý do chính cho việc bán khống là để đầu cơ hoặc để phòng vệ.

 

Đầu cơ

Khi đầu cơ, NĐT theo dõi các biến động trên thị trường để có thể kiếm lời nhanh chóng từ một khoản đầu tư có độ rủi ro cao. Đầu cơ thường được nhắc đến với một ý nghĩa tiêu cực như thể người ta đánh bạc. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ cũng đòi hỏi phải có sự tính toán, đánh giá thị trường và chỉ chấp nhận rủi ro khi cơ hội có vẻ có lợi cho NĐT. Đầu cơ khác với phòng vệ ở chỗ, nhà đầu cơ đặt ra mọi giả định rủi ro, trong khi nhà phòng vệ tìm cách giảm thiểu rủi ro.

Nhà đầu cơ có thể nhận khoản lỗ lớn nếu họ sử dụng chiến lược sai vào thời điểm sai, nhưng họ cũng có thể thu lại phần thưởng lớn. Ví dụ tiêu biểu có lẽ là khi George Soros “phá vỡ ngân hàng Anh” vào năm 1992. Ông đánh cược với 10 tỷ USD là đồng bảng Anh sẽ hạ giá và ông đã đúng. Qua đêm, Soros thu về 1 tỷ USD từ giao dịch đó.

Nhà đầu cơ có thể mang lợi ích đến cho thị trường vì họ làm tăng khối lượng giao dịch, giả định rủi ro và tạo ra tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, việc thị trường có lượng lớn giao dịch đầu cơ sẽ dẫn đến bong bóng kinh tế hay sự sụp đổ của TTCK.

Phòng vệ

Cũng sẽ có những lý do mà chúng tôi sẽ đề cập tiếp sau đây khiến rất ít nhà quản lý tài chính chọn bán khống như một chiến lược đầu tư thường xuyên (không giống như Soros). Phần lớn NĐT sử dụng bán khống để phòng vệ. Điều đó có nghĩa là họ phòng vệ cho khoản đầu tư đang nắm giữ bằng cách bán khống một khoản tương tự để triệt tiêu rủi ro.

Phòng vệ có thể mang lại lợi ích vì cổ phiếu của NĐT được bảo hiểm chống lại rủi ro, tuy nhiên nó có thể tốn kém và vẫn có thể gặp nhưng rủi ro cơ bản.

 

Giới hạn

Có nhiều quy định giới hạn về khối lượng, giá cả và loại cổ phiếu mà NĐT được quyền bán khống. Ví dụ, NĐT không được bán khống các cổ phiếu nhỏ (ở Mỹ là 5 USD) - penny stocks - và hầu hết các giao dịch bán khống phải được thực hiện theo lô (thông thường là 100 cổ phiếu). Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) quy định những giới hạn này để ngăn chặn việc thao túng giá cổ phiếu.

 

Ai là người bán khống?

Những người trong cuộc cho biết chỉ có một số hình thức sau:

Người ta mô tả những người bán khống như những NĐT bi quan đang mong chờ một công ty thất bại, nhưng họ cũng là những người có tính kỷ luật và tự tin vào đánh giá của mình. Người bán khống thường là:

- NĐT giàu có;

- Quỹ phòng chống rủi ro;

- Tổ chức lớn;

- Nhà kinh doanh chứng khoán trong ngày.

Bán khống không dành cho tất cả mọi NĐT. Giao dịch này đòi hỏi NĐT dành nhiều thời gian và tâm huyết. Người bán khống cần phải nắm rõ tình hình, có kỹ năng và có kinh nghiệm mới có thể thành công. Họ cần phải hiểu: TTCK hoạt động như thế nào; kỹ năng và chiến lược giao dịch; xu hướng của thị trường; hoạt động kinh doanh của công ty.

 

Giao dịch

Giả sử rằng, sau hàng giờ cần mẫn nghiên cứu và phân tích, nhà đầu tư (NĐT) xác định công ty XYZ không còn có thể cứu vãn được nữa. Cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 65 USD/CP, nhưng NĐT dự đoán giá sẽ xuống thấp hơn rất nhiều ở những tháng sau đó. Để có thể kiếm lời qua sự sụt giảm này, NĐT quyết định bán khống cổ phiếu của XYZ. Hãy xem giao dịch này sẽ được thực hiện như thế nào:

Bước 1: mở một tài khoản ký quỹ. Nhớ rằng, tài khoản này cho phép NĐT mượn tiền từ  nhà môi giới (NMG) bằng cách dùng khoản đầu tư để thế chấp.

Bước 2: NĐT đặt lệnh bằng cách thông qua NMG hoặc đặt lệnh trực tuyến. Hầu hết NMG trực tuyến sẽ có ô đánh dấu ghi “bán khống” và “mua lại”. Trong trường hợp này, NĐT đặt lệnh để bán khống 100 cổ phiếu.

Bước 3: NMG sẽ đi vay số cổ phiếu đó tùy thuộc vào lượng cổ phiếu đang có sẵn. Theo Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), số cổ phiếu này có thể mượn từ:

- Tài khoản riêng của NMG.

- Tài khoản ký quỹ của một khách hàng khác của NMG.

- Công ty môi giới khác.

NĐT cũng nên lưu ý về luật ký quỹ cũng như các mức phí và lệ phí phải trả. Ví dụ, nếu cổ phiếu đó có cổ tức, NĐT sẽ phải trả lại bên cho vay khoản cổ tức đó.

Bước 4: NMG bán cổ phiếu ra thị trường tự do. Lợi nhuận từ giao dịch sau đó sẽ được chuyển vào tài khoản ký quỹ của NĐT.

Một trong hai trường hợp sau sẽ có khả năng xảy ra vào những tháng tiếp theo đó:

Rõ ràng, bán khống có thể mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, không thể đảm bảo rằng, giá cổ phiếu sẽ thay đổi đúng như NĐT dự đoán (cũng giống như trường hợp mua vào khi dự đoán giá sẽ tăng).

Người bán khống sử dụng những đại lượng và tỷ lệ để tìm ra cổ phiếu thích hợp để bán khống. Một số chọn cổ phiếu để bán bằng những phương pháp tương tự như khi chọn cổ phiếu để mua, nhưng chỉ bán khống cổ phiếu nào đang trong tình trạng xấu nhất. Một số khác dựa vào giao dịch nội gián, những thay đổi trong chính sách kế toán hoặc những bong bóng kinh tế đang chờ nổ.

 

Rủi ro 

Bán khống mang tính rủi ro rất cao. Nó không khác mấy việc thi đấu bò tót, người chơi có thể sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời, hoặc có thể bị giẫm nát.

NĐT nghĩ rằng, kết quả của việc bán khống đơn giản là đối lập với một giao dịch mua thông thường, tuy nhiên cơ chế bán khống có thể dẫn đến một số rủi ro đặc thù.

1. Bán khống là đánh bạc: lịch sử cho thấy, TTCK nhìn chung sẽ đi lên. Về lâu dài, đa số cổ phiếu đều tăng giá. Thậm chí, nếu một công ty chỉ cải thiện tình hình kinh doanh được chút ít, lạm phát cũng sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng. Điều này có nghĩa bán khống là đánh cược ngược lại xu hướng chung của thị trường. Vì thế, nếu thị trường đi lên như thông thường, giữ vị thế bán khống quá lâu có thể trở nên cực kỳ rủi ro.

2. Lỗ có thể ở mức không giới hạn: khi bán khống, khoản lỗ của NĐT có thể là không xác định được. Một giao dịch bán khống thua lỗ khi giá cổ phiếu tăng và một cổ phiếu không bị giới hạn giá (ít nhất là trên lý thuyết) có thể tăng đến vô cùng. Ví dụ, nếu NĐT bán khống 100 cổ phiếu ở mức giá 65 USD/CP, hy vọng có thể kiếm lời nhưng giá cổ phiếu tăng lên 90 USD/CP, NĐT bị lỗ 2.500 USD. Mặt khác, giá cổ phiếu không thể xuống dưới 0 USD, do đó mặt kiếm lợi bị hạn chế. Tóm lại: NĐT có thể thua lỗ nhiều hơn số tiền đầu tư ban đầu, nhưng lợi nhuận tốt nhất có thể thu về là 100% khi công ty đó phá sản và cổ phiếu hoàn toàn mất giá trị.

3. Bán khống liên quan đến tiền vay: đây còn gọi là giao dịch qua tài khoản (TK) ký quỹ. Khi bán khống, NĐT mở một TK ký quỹ, nó cho phép NĐT mượn tiền từ công ty môi giới bằng cách dùng khoản đầu tư làm thế chấp. Cũng như khi mua bằng TK ký quỹ, rất dễ để khoản thua lỗ trở nên mất kiểm soát vì NĐT phải đáp ứng yêu cầu về mức ký quỹ duy trì tối thiểu là 25%. Nếu TK của NĐT rơi xuống dưới mức này, NĐT sẽ nhận được yêu cầu đóng tiền ký quỹ; NĐT buộc phải nộp thêm tiền mặt vào TK hoặc thanh lý số chứng khoán đang nắm giữ.

4. Tình trạng khan hàng có thể hút hết lợi nhuận từ khoản đầu tư: khi giá cổ phiếu tăng, lỗ của người bán khống cũng tăng theo, vì người bán đều vội vàng đi mua lại cổ phiếu đó. Chính sự đổ xô này làm tăng cầu của cổ phiếu, làm giá cổ phiếu tăng, thậm chí còn cao hơn. Thông thường, thông tin trên thị trường tạo ra một đợt sốt hàng, nhưng đôi khi những người kinh doanh chứng khoán khi nhận thấy một lượng lớn cổ phiếu nào đấy đang bị bán khống, họ sẽ cố tình tạo ra tình trạng khan hiếm cổ phiếu đó. Đấy là lý do vì sao không nên bán khống cổ phiếu với tỷ lệ bán khống cao.

5. Ngay cả khi đúng, NĐT vẫn có khả năng chọn sai thời điểm: hậu quả cuối cùng và lớn nhất là khi NĐT dự đoán đúng nhưng quá sớm. Ngay cả khi một công ty được đánh giá cao hơn giá trị thực của nó, cũng phải mất một khoảng thời gian giá cổ phiếu mới tụt xuống. Trong khi đó, điểm yếu của NĐT là tiền lãi, lệnh đóng tiền ký quỹ và khi nhà môi giới thực hiện quyền đòi lại. Nhiều nhà kinh doanh chứng khoán đã cố gắng trong nhiều năm để tìm câu trả lời cho câu hỏi, tại sao giá trị thị trường của cổ phiếu lại khác với giá trị thực của nó (tính bằng giá trị hiện tại ròng của những dòng tiền mong đợi trong tương lai). Họ vẫn chưa tìm ra một mô hình đúng trong mọi trường hợp, và có lẽ sẽ không bao giờ tìm ra.

 

Đạo đức và vai trò của bán khống 

Có thể nói một cách chắc chắn, những người bán khống không phải là những người có tiếng nhất trên phố Wall. Rất nhiều NĐT nhìn nhận việc bán khống là “không có tinh thần dân tộc” và “chống lại đội nhà”, vì những người bán khống bị coi là chỉ tìm kiếm những công ty đang gặp khó khăn để trục lợi. Một số nhà phê bình còn tin rằng, bán khống là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường suy sụp, ví dụ như khi TTCK sụp đổ vào ngày thứ Hai đen tối (năm 1987). Không có nhiều bằng chứng để ủng hộ nhận định này, vì những yếu tố khác như công cụ phái sinh và giao dịch tự động cũng đóng góp một phần không nhỏ, nhưng 2 năm sau khi thị trường sụp đổ, Chính phủ Mỹ đã tổ chức buổi điều trần trong một tiểu ban thuộc Hạ viện về vấn đề bán khống. Nhiều nhà lập pháp muốn xem xét ảnh hưởng mà các nhà bán khống tác động tới những công ty nhỏ và xem xét sự cần thiết của luật lệ mới sau khi vin vào việc các nhà bán khống thao túng thị trường cổ phiếu OTC đang lan rộng. Các viên chức của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) tái khẳng định với công chúng rằng, chưa một hành động thao túng thị trường nào mà không bị phát giác và những luật mới sẽ được đặt ra.

Bất chấp những lời chỉ trích, người ta khó có thể phủ nhận vai trò quan trọng của bán khống đối với thị trường. Đó là:

- Tăng tính thanh khoản cho giao dịch cổ phiếu; tăng khối lượng mua bán sẽ làm giảm sự khác biệt về giá mua và giá bán của cổ phiếu.

- Làm sụt giá những chứng khoán mà giá thị trường cao hơn quá nhiều so với giá trị thật của nó bằng cách giảm chi phí khi thực hiện một giao dịch.

- Tăng hiệu quả tổng thể của thị trường bằng cách đẩy nhanh sự điều chỉnh giá.

- Đóng vai trò hàng rào bảo vệ đầu tiên chống lại gian lận tài chính. Ví dụ, năm 2001, nhà bán khống nổi tiếng James Chanos xác định được các thông lệ kế toán mang tính chất lừa đảo diễn ra tại Enron, một công ty buôn bán năng lượng. Hoạt động của công ty này sau đó được biết đến với tên gọi vụ bê bối Enron khi công ty này bị phát hiện đã thổi phồng doanh thu của mình. Enron tuyên bố phá sản vào cuối năm 2001.

Trong bối cảnh xung đột về lợi ích do các ngân hàng đầu tư ngăn cản chuyên gia phân tích của họ đưa ra những báo cáo đánh giá khách quan, thì công việc của những nhà bán khống thường được coi là một trong những nghiên cứu chi tiết và chất lượng nhất trên thị trường. Các nhà bán khống còn được cho rằng, đã ngăn chặn sụp đổ thị trường vì họ cung cấp một tiếng nói có lý lẽ trong thị trường lên giá mạnh.

Tuy nhiên, bán khống cũng có mặt hạn chế của nó, có một số ít nhà kinh doanh chứng khoán không thuộc vào những trường hợp trên sử dụng những chiến lược phi đạo đức để kiếm lời cho mình. Đôi khi được nhắc đến với tên gọi “bán khống và bóp méo”, chiến lược này được sử dụng để bóp méo giá chứng khoán trong thị trường giá xuống, bán khống rồi sau đó lên chiến dịch bôi nhọ để hạ giá cổ phiếu đã được bán. Đó là hình ảnh phản chiếu của chiến lược “bơm phồng rồi vứt bỏ” khi kẻ lừa đảo mua cổ phiếu, sau đó tung thông tin sai lệch để làm tăng giá cổ phiếu đó. Sự lạm dụng bán khống như vừa đề cập đã và đang phát triển cùng với giao dịch qua mạng và khi số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như giao dịch trực tuyến có xu hướng tăng dần.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ