Băn khoăn trước thềm thị trường chứng khoán phái sinh khai mở

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán (CTCK) đang phải “rút ví” cả chục tỷ đồng để đầu tư chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, cũng như đào tạo nhân sự phục vụ cho tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Nhưng nỗi lo thu hồi vốn chậm do thị trường chứng khoán phái sinh khó thu hút nhà đầu tư trong giai đoạn đầu cũng thường trực trong họ.    
Chi phí đầu tư cho xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ đã ngốn hàng chục tỷ đồng của CTCK Chi phí đầu tư cho xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ đã ngốn hàng chục tỷ đồng của CTCK

Đầu tư lớn, chậm thu hồi

Lãnh đạo một CTCK nói như vậy về việc Công ty đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ, xây dựng quy trình tác nghiệp, đào tạo nhân sự... để sẵn sàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến sẽ mở cửa vào quý I/2017, như thông tin vừa được bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết.

Cũng theo bà Bình, đến thời điểm này có khoảng 10 CTCK lớn, có tiềm lực tài chính mạnh đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ, nhân sự để cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh.

Đại diện một số CTCK khác cũng chia sẻ, chi phí chuẩn bị các yếu tố để đáp ứng yêu cầu tham gia thị trường chứng khoán phái sinh khá tốn kém. Trong đó, chỉ tính riêng khoản chi phí đầu tư cho xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ đã ngốn hàng chục tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư không hề nhỏ trong bối cảnh kiếm tiền trên thị trường đang khó.

“Bỏ ra khoản đầu tư khá lớn như vậy, nhưng với định hướng triển khai sản phẩm như hiện tại, cũng như mức độ tham gia của nhà đầu tư trong thời gian đầu sẽ rất hạn chế, nên khả năng để CTCK trong 2 - 3 năm sau khi mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh thu hồi vốn là khó khả thi...”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhìn nhận.

Dẫu biết phải bỏ ra chi phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ, cũng như nhân sự khá lớn, đồng thời trong thời gian vài năm đầu ít nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch chứng khoán phái sinh, nhưng không vì thế mà các CTCK không chuẩn bị để tham gia thị trường này ngay từ đầu, để giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm khách mới.

“Là CTCK lớn, nếu không tham gia thị trường chứng khoán phái sinh ngay từ đầu, chúng tôi đối mặt với rủi ro mất khách. Có thể thời gian đầu, nhà đầu tư chưa có nhu cầu giao dịch chứng khoán phái sinh, nhưng nếu mọi thứ không sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của họ bất cứ lúc nào, thì có nguy cơ khách hàng sẽ chuyển tài khoản sang CTCK khác...”, lãnh đạo một CTCK nói. 

Mong được tiếp sức từ cơ quan quản lý

Những khó khăn mà CTCK phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị tham gia thị trường chứng khoán phái sinh cũng là tất yếu, bởi “vạn sự khởi đầu nan”. Tuy nhiên, các CTCK cũng mong đợi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cần triển khai nhiều hơn các hình thức tiếp sức để họ vượt qua những khó khăn, trở ngại này. Cụ thể, các cơ quan quản lý, tổ chức thị trường cần triển khai rộng rãi và thường xuyên hơn, thiết thực hơn các hoạt động truyền thông, đào tạo kiến thức về thị trường chứng khoán phái sinh đến công chúng đầu tư, để chuẩn bị hình thành một lượng cầu tốt cho thị trường. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về phí, thuế đối với nhà đầu tư khi giao dịch chứng khoán phái sinh trong những năm đầu mở cửa thị trường, để kích thích họ tham gia.

Về phía cung, các CTCK mong đợi nhà quản lý, tổ chức thị trường cần tính toán kỹ hơn về triển khai các sản phẩm sao cho tránh vì quá đảm bảo tính thận trọng khi bắt đầu mở cửa thị trường, mà đánh mất đi tính hấp dẫn. Sản phẩm có hấp dẫn thì mới thu hút được nhà đầu tư tham gia, qua đó giúp các CTCK có cơ hội dần thu hồi vốn đầu tư tham gia thị trường.

Ngoài ra, để giảm chi phí và thời gian đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ, các CTCK đề xuất nhà quản lý, tổ chức thị trường nên xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch, cũng như thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tránh “Việt hóa” nhiều dẫn đến các CTCK phải tốn nhiều thời gian và công sức chỉnh sửa hệ thống đã “nhập khẩu” từ nước ngoài.

Ngoài ra, nếu quá “Việt hóa” kiểu này dẫn đến độ “vênh” lớn giữa hệ thống giao dịch, thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh của Việt Nam với các thị trường trên thế giới, sẽ khiến CTCK khó giải thích với nhà cung cấp hệ thống nước ngoài trong quá trình triển khai hệ thống. Từ đó, dẫn đến những thông tin không tích cực trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.

“Một trong những điều quan ngại nhất mà nhà đầu tư nước ngoài hay than phiền khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, là còn nhiều sự khác biệt so với thông lệ quốc tế về phương thức giao dịch; chuẩn mực công bố thông tin; cơ chế kế toán, kiểm toán...”, lãnh đạo một CTCK đang niêm yết cho hay.  

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục