Băn khoăn quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
Phiên thảo luận chiều 28/10 của Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) ghi nhận khá nhiều băn khoăn của đại biểu về quy định hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Thuý nói rằng, bà rất rất trăn trở về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, bởi vì quỹ này đã quy định trong trong Luật Điện ảnh từ năm 2006 nhưng đến nay không thành lập được, nhưng dự thảo sửa đổi lần này vẫn tiếp tục đề nghị có quỹ này.

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nên tập trung hỗ trợ cho dự án sản xuất các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, phim tham gia liên hoan phim quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Và nếu Quốc hội đồng ý có quỹ này mà quy định như trong dự thảo thì sẽ tiếp tục không thành lập được. Vì thế đại biểu đề nghị phải xác định rõ mục đích nguồn thu, cơ chế hoạt động của quỹ và quy định về quản lý quỹ. Hai là quỹ này tập trung hỗ trợ cho dự án sản xuất các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, phim tham gia liên hoan phim quốc tế.

Đại biểu Thuý cho rằng đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, là quỹ quốc gia, cho nên dự thảo phải ghi rõ là trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ này được quản lý như thế nào cũng cần làm rõ và quy định định kỳ phải báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động, việc quản lý, sử dụng quỹ làm cơ sở để Quốc hội giám sát.

Một số đại biểu khác, trong đó có đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không đưa vào luật quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Vì, chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh nên tập trung nâng cao chất lượng tại chỗ, tức là hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các đơn vị đã thực hiện tốt trong thời gian vừa qua.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói, nhiều quốc gia đều áp dụng quỹ, ngay cả những nước có nền điện ảnh phát triển. Vì vậy, Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội xem xét để cân nhắc, vì phải có quỹ này thì mới có điều kiện để hỗ trợ và các đối tượng hưởng quỹ này nó khác với vấn đề đầu tư của Nhà nước.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ bên cạnh một số ý kiến nhất trí thì nhiều ý kiến không nhất trí việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vì quỹ đã được quy định trong Luật Điện ảnh từ năm 2006 nhưng đến nay không thành lập được. Đồng thời dự thảo Nghị định quy định nguồn thu của Quỹ khó khả thi vì sẽ tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp.

Ban soạn thảo giải thích, điện ảnh Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và bị tác động lớn bởi thương mại và các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Nếu không có sự hỗ trợ từ Quỹ phát triển điện ảnh thì không có công cụ để hỗ trợ nền điện ảnh dân tộc, hỗ trợ nhà sản xuất, đạo diễn đã có phim đạt giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có hiệu quả xã hội đối với dự án sản xuất phim tiếp theo; hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ.

Nguyễn Lê
Theo Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục