Cơ chế, chính sách đặc thù không ảnh hưởng đến bội chi và nợ công

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định như vậy khi giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận sáng 27/10 của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu cuối phiên thảo luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu cuối phiên thảo luận.

Được bàn thảo sôi nổi ở phiên họp này là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Cảm ơn đại biểu đã góp ý qua 300 ý kiến (31 ý kiến tại hội trường và 269 ý kiến tại tổ), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Bộ trưởng khái quát lại những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là phải đặt cơ chế chính sách đặc thù trong quy hoạch cấp tỉnh , cấp vùng và cần có lộ trình phù hợp, đề án thực hiện cần đảm bảo hiệu quả. Các địa phương được thí điểm phải vươn lên đóng góp lại cho vùng và hỗ trợ cho địa phương khác, cần ban hành tiêu chí các địa phương được thí điểm để Quốc hội giám sát, quan tâm đến 1 số vùng khó khăn, nghiên cứu chính sách theo vùng...

Các ý kiến của đại biểu rất sâu sắc, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu giải trình trong hoàn thiện dự thảo và trong chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về lý do lựa chọn các địa phương được thí điểm, Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi địa phương có điều kiện khác nhau, nên cần có chính sách đặc thù, đảm bảo để các địa phương trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nhưng, Bộ trưởng nhấn mạnh thực tế không phải không quan tâm đến các địa phương khác. Nhà nước luôn chú trọng hài hoà phát triển vùng miền, các vùng khó khăn cũng có rất nhiều cơ chế chính sách, rất nhiều chương trình mục tiêu đều nằm ở các vùng này. Và hiện nay ba chương trình mục tiêu lớn đều nằm ở vùng khó khăn đó.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu các nguyên tắc lựa chọn địa phương thí điểm là nhằm tạo động lực cho các vùng trọng điểm, điều tiết ngân sách lớn hơn cho Trung ương, phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi.

Cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Bộ trưởng cũng nêu rõ nguyên tắc phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Nguyên tắc nữa là tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của các địa phương.

Về một số chính sách cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định mức dư nợ vay áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An không vượt quá 40%; Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ này là không vượt quá 60% để đảm bảo được khả năng hấp thụ vốn cũng như nghĩa vụ trả nợ vay của ngân sách tỉnh theo hạn mức dư nợ vay đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mức này phải phù hợp với nhu cầu của từng địa phương cũng như khả năng hấp thu vốn, vay và trả nợ nên mức sẽ khác nhau.

Việc tăng mức dư nợ vay của từng địa phương được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công, do được tổng hợp chung vào mức dư nợ vay và mức bội chi ngân sách cả nước được Quốc hội xem xét, quyết định, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu băn khoăn là hiện nay có một số địa phương chưa sử dụng hết mức vay, nhưng nếu có cơ chế đặc thù thì địa phương chủ động hơn trong tính toán đầu tư, và tiền vay cũng chỉ được dùng để chi phát triển, Bộ trưởng giải trình.

Với băn khoăn về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, Bộ trưởng nêu rõ phải đảm bảo 2 điều kiện “không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước” và “ngân sách trung ương không hụt thu”. Việc quy định như dự thảo để đảm bảo tính tương quan giữa các tỉnh, thành phố lớn khác, không ảnh hưởng đến khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong quá trình điều tiết nền kinh tế vĩ mô, đồng thời, tránh việc dự toán không sát thực tế.

Về thí điểm phí và lệ phí, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mỗi địa phương có thể lựa chọn ban hành chính sách khác nhau, nhưng phải có lộ trình phù hợp với thực tế, có cân nhắc đến ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua đã tác động đến sức khoẻ của người dân và doanh nghiệp.

Liên quan đến khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề mới, vẫn đang dừng ở mức ý tưởng và chưa có đề án. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ liên quan phối hợp với Thành phố Hải Phòng xây dựng đề án riêng để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội tại thời điểm thích hợp.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục