Đã tôn vinh sao lại bắt viết báo cáo thành tích?

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu từ đầu cầu Bình Dương. Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu từ đầu cầu Bình Dương.

Đó là câu hỏi được đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt ra khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) sáng 28/10.

Đây là phiên thảo luận có tới hơn 60 đại biểu muốn được lên tiếng, nhưng chỉ có một nửa trong số đó có đủ thời gian đăng đàn.

Đều nhất trí cần phải sửa đổi luật, nhưng các đại biểu nêu không ít yêu cầu mà dự thảo chưa đáp ứng được.

Nhiều ý kiến đề nghị phải thiết kế lại các tiêu chí thi đua sao cho rộng khắp, bao quát được những cá nhân, tổ chức xứng đáng vì có tình trạng một số ngành, lĩnh vực có cán bộ công tác lâu năm, có thành tích nhưng không được khen thưởng.

Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), nội dung thi đua trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất nhà nước..

Đại biểu Thắng cho rằng, một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng. Để giải quyết được vấn đề đó Luật sửa đổi phải có những quy định cụ thể, rõ ràng.

"Theo quan điểm của tôi, khen thưởng phải theo công trạng, phải dựa trên công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được; có như vậy mới thực sự động viên được đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới", đại biểu phát biểu.

Cũng nhắc đến tính hình thức, Đại biểu Phạm Trọng Nhân nói "nếu đánh giá phong trào thi đua ở một số nơi còn mang tính hình thức thì ngay chính lĩnh vực này cũng đang nặng về thủ tục hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua khen thưởng, trong đó điều kiện kèm theo là báo cáo thành tích".

Để tôn vinh lại phải viết báo cáo thành tích, trong khi hầu hết các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, năng động, yêu nước, đổi mới sáng tạo… thì mục tiêu cuối cùng không phải là để được ghi nhận và tôn vinh, ông Nhân nói.

Báo cáo này nhằm mục đích gì? Nếu như để cơ quan nhà nước biết thì có lẽ không ổn vì nó sẽ chứng tỏ năng lực quản lý đối với hoạt động của công dân nói chung và cán bộ công chức, viên chức nói riêng, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số được cam kết triển khai mạnh mẽ thời gian qua, vị đại biểu Bình Dương đặt vấn đề.

Ông cũng nhấn mạnh, nếu như vì báo cáo thành tích thì phải giải đáp thoả đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Dẫn trường hợp có một Giám đốc Sở có không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng mà lại “dậy sóng” về các sai phạm mới đây, đại biểu đặt câu hỏi: “Vậy thì công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với những trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa ra sao?”.

Chỉ khi nào nhà nước, với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương, đại biểu Nhân nhấn mạnh. Nhất là, bây giờ chỉ cần một cái “click chuột” là đã có thể cung cấp đầy đủ dữ liệu cá nhân để xác thực, trong đó có khen thưởng, kỷ luật…

“Dự luật này cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu phải kích hoạt cho được cơ chế phòng vệ trước thói quen háo danh và lan toả khí chất “hữu xạ tự nhiên hương, hà tất phải tô vẽ”, đại biểu Nhân nói.

Ông cũng băn khoăn là với quy định tại dự thảo. “Cán bộ, công chức không tự nguyện tham gia thì có bị coi là không chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng hay không? Dự luật giải quyết thoả đáng các vấn đề trên thế nào vì đó chính là “xương sống” của công tác thi đua, liên quan đến việc đánh giá đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức?”.

Theo đại biểu, bao nhiêu phong trào, danh hiệu không quan trọng, mà cái cần nhất chính là kỹ năng quản trị của người đứng đầu, để thúc đẩy được tinh thần, tình cảm, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, tập thể đối với công việc.

“Nếu tinh thần nêu gương luôn thường trực trong mỗi người, mỗi hoàn cảnh thì có lẽ phong trào thi đua cũng hoàn thành sứ mệnh. Bởi khi đó nó đã trở thành vấn đề tự thân, một sự tự nhận thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Bởi có tu thân mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được”, ông Nhân phát biểu.

Ông cũng nhấn mạnh, thi đua với chính mình mới là quan trọng nhất, vì đó cũng là quá trình tự soi rọi lại bản thân về trách nhiệm đối với công việc, tình cảm đối với cộng đồng xã hội.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục