Sẽ sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng cho công nhân, nông dân có sáng kiến hoặc mô hình sản xuất mang lại giá trị cao và được áp dụng có hiệu quả thay thế tiêu chuẩn “có phát minh, sáng chế”.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa họp Thường trực Ủy ban mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đây là dự án luật sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, Luật này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Trong thực tiễn, một số danh hiệu thi đua mặc dù chưa được quy định trong Luật nhưng đã đi vào cuộc sống và có tác dụng động viên phong trào nên cần được bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện.
Bất cập nữa là năm 2013, khi sửa đổi, bổ sung Luật đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm dẫn đến khen thưởng không trúng thành tích, khen thưởng chưa kịp thời, việc khen thưởng vẫn tập trung nhiều vào cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa rõ ràng, cụ thể, phải điều chỉnh bằng các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư…
Dự thảo luật sửa đổi gồm 100 điều, bỏ 11 điều của luật hiện hành, sửa đổi và điều chỉnh 79 điều.
Về nội dung, Chính phủ đề nghị bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”. Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với đối tượng khen thưởng, Chính phủ đề nghị bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng...
Dự luật cũng đề nghị bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh/hộ sinh viên” do “hộ sinh viên” là một chức danh chuyên môn y tế, là người trực tiếp làm công tác theo dõi thai kỳ, đỡ đẻ, sơ cứu, cấp cứu sản khoa, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Dự kiến lần sửa đổi này sẽ bỏ đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với “nhạc sĩ“ và “phát thanh viên”, vì “nhạc sĩ” là người sáng tác và soạn nhạc; tác phẩm của nghệ sĩ có giá trị và đủ các tiêu chuẩn sẽ được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”. Phát thanh viên làm việc ở các Đài phát thanh, truyền hình; trên thực tế phát thanh viên đảm nhiệm cả việc biên tập tin tức như một nhà báo.
Một dự kiến đáng chú ý khác là sẽ sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng cho công nhân, nông dân có sáng kiến hoặc mô hình sản xuất mang lại giá trị cao và được áp dụng có hiệu quả thay thế tiêu chuẩn “có phát minh, sáng chế” đối với các hình thức khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chủ trương của Đảng về chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác.
Tổng kết 17 năm thi hành Luật Thi đua khen thưởng, Bộ Nội vụ cũng nêu đổi mới trong công tác này là khen thưởng kịp thời người trực tiếp lao động có nhiều sáng tạo, thông qua phát hiện điển hình tiên tiến để khen thưởng; khen thưởng đột xuất, khen thưởng tập thể, cá nhân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Thường trực Uỷ ban Xã hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng.
Một số ý kiến cho rằng cần xem xét thêm các tiêu chuẩn đối với các danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “ Phường, Thị trấn tiêu biểu” còn bị trùng lắp, một số tiêu chuẩn còn chưa phù hợp.
Việc khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang cũng được cho là khó khả thi. Vì xác nhận các yêu cầu để thoả mãn tiêu chuẩn được khen thưởng với khoảng 400.000 thanh niên xung phong rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, tổng chi phí để thực hiện cũng không nhỏ (khoảng trên 1000 tỷ đồng).
Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 8 /2021 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay.