
Việc mua, bán điện với nước ngoài phải được phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện
Thông tư này quy định chi tiết khoản 8 Điều 46 Luật Điện lực số 61/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 về hồ sơ, trình tự và thủ tục mua bán điện với nước ngoài; áp dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài.
Theo Thông tư quy định, việc mua, bán điện với nước ngoài đối với từng dự án xuất, nhập khẩu điện phải được phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện.
Phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện phải phù hợp với Chiến lược mua bán điện với nước ngoài đã được phê duyệt trong Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam, quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Trường hợp phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện phù hợp với Chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực nhưng phương án đấu nối lưới điện không phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam hoặc có phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa được cập nhật trong kế hoạch thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương xuất, nhập khẩu điện cho dự án và cập nhật bổ sung phương án đấu nối lưới điện của dự án vào kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Trường hợp phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện chưa phù hợp với Chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch, dự án xuất, nhập khẩu điện cần phải thực hiện thủ tục bổ sung, điều chỉnh Chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch trước khi phê duyệt chủ trương xuất, nhập khẩu điện cho dự án.
Trường hợp việc mua, bán điện với nước ngoài có sử dụng lưới điện của một đơn vị quản lý lưới điện khác để thực hiện hoạt động mua, bán điện với nước ngoài thì tổ chức, cá nhân phải thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện này.
Tập Đoàn điện lực Việt Nam là đơn vị thực hiện việc mua, bán điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia. Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam khác có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài thực hiện việc mua, bán điện với nước ngoài không thông qua hệ thống điện quốc gia.
Trình tự phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài
Thông tư nêu rõ trình tự phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ phê duyệt mua, bán điện với nước ngoài theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị phê duyệt mua, bán điện với nước ngoài.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài có thể lựa chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ tới Bộ Công thương trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường dịch vụ bưu chính.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến: Hồ sơ phê duyệt mua, bán điện với nước ngoài nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc các tài liệu theo quy định của pháp luật không được gửi qua mạng thông tin điện tử thì có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính.
Số lượng hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính: 05 bộ.
Trình tự phê duyệt chủ trương mua bán, điện với nước ngoài được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức thẩm định và lấy ý kiến bằng văn bản về phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện của các cơ quan, đơn vị sau:
- Bộ, ngành, địa phương có liên quan đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên;
- Địa phương, đơn vị điện lực có liên quan đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp dưới 220 kV.
Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam khác có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài giải trình ý kiến thẩm định hoặc tổ chức cho Cơ quan thẩm định xem xét và đánh giá dự án xuất, nhập khẩu điện tại hiện trường trong trường hợp cần thiết.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị điện lực có liên quan đến phương án mua, bán điện với nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét, phê duyệt chủ trương đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện.
Hồ sơ, trình tự mua, bán điện với nước ngoài
Sau khi chủ trương mua, bán điện với nước ngoài được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài có trách nhiệm đàm phán, ký kết hợp đồng mua, bán điện với đối tác mua, bán điện theo quy định pháp luật và gửi hồ sơ mua, bán điện cho nước ngoài về Bộ Công thương trong thời hạn 07 ngày trước khi thực hiện mua bán điện với nước ngoài.
Hồ sơ bán điện cho nước ngoài bao gồm: Hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên; thỏa thuận đấu nối của từng dự án mua, bán điện với nước ngoài.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025.